11:18 02/11/2017

Quốc hội xem xét lùi thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới

Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Cần thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Theo Chính phủ, đến nay, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến. Việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: TTXVN

Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: Năm học 2019 - 2020:  Lớp 1;Năm học 2020 - 2021:  Lớp 2 và lớp 6;  Năm học 2021 - 2022:  Lớp 3, lớp 7 và lớp 10;  Năm học 2022 - 2023:  Lớp 4, lớp 8 và lớp 11;  Năm học 2023 - 2024:  Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết

Theo Báo cáo thẩm tra về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn một năm so với kế hoạch.

Chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện nên chưa có cơ sở để biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa và để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương; cơ sở giáo dục cũng chưa có căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo tinh thần Nghị quyết 88.

Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88. Nội dung kinh phí cũng chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán được kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương; nhiều tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về lộ trình thực hiện, thực tế qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm đúng lộ trình và tiến độ. Trong khi đó, phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tính khả thi và chất lượng khi thực hiện chương trình; tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.

Băn khoăn về chi phí phát sinh

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cũng đều chung quan điểm, việc lùi thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, là cần thiết nhằm có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà.

Theo đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), để triển khai chương trình sách giáo khoa mới, cần xem xét liệu có đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng hay không?  

Đại biểu Hương cho rằng, các công việc để triển khai chương trình sách giáo khoa mới đều ở trong tình trạng chậm tiến độ. Cụ thể, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình mới chậm với quy định. Tới nay, quy định về các môn học vẫn chưa được hoàn thiện để có cơ sở trong việc biên soạn cho việc thẩm định và triển khai việc thực nghiệm sách giáo khoa.... Việc chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị cho chương trình sách giáo khoa mới như tập huấn cho đội ngũ giáo viên, kinh phí cho các hoạt động dạy học… cũng cần xem xét cẩn thận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đặt câu hỏi về sự lãng phí trong việc lùi thời gian thực hiện áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Từ năm 2015 cho đến nay, theo Nghị quyết của Chính phủ, từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2018, phải biên soạn xong 3 sách giáo khoa của lớp 1, lớp 6 và lớp 10.  Ngành giáo dục cần làm rõ, trong 3 năm, đã chi hết bao nhiêu tiền và triển khai việc này ra sao? Bởi, khi đã kéo dài thời gian thì kéo theo chi phí tăng thêm bao nhiêu?

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, trong Quyết định 404/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt 778,8 tỉ đồng cho chương trình này. Trong khi đó tại dự thảo Tờ trình hôm nay lại nói 80 triệu USD (tương đương với 1.798 tỉ đồng). Do vậy, cần làm rõ hai con số trên. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đồng tình về việc lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nhưng đề xuất, nếu có phát sinh kinh phí thì Quốc hội phải kiểm soát việc này. Đây cũng là tư tưởng của Thủ tướng Chính phủ là một đồng thuế của dân cũng phải tiết kiệm và phải sử dụng có hiệu quả.

H.V/Báo Tin Tức