10:15 19/10/2020

Quốc hội sẽ giám sát đến cùng lời hứa của các thành viên Chính phủ

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV chiều 19/10, phóng viên báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) đặt câu hỏi với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về việc tại Kỳ họp này Quốc hội có “tái giám sát”, “tái chất vấn” việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay hay không?  

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức (TTXVN).

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ và kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ đánh giá lại việc thực hiện lời hứa của Chính phủ, các tư lệnh ngành, lĩnh vực, kết quả thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ và cả những nghị quyết được chuyển giao từ Quốc hội khóa trước. 

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đã có báo cáo chi tiết về các nội dung này gửi đến Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra, chỉ rõ những vấn đề chưa làm được và các vấn đề Chính phủ, các bộ, ngành phải tiếp tục làm rõ, có giải pháp. Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp tất cả các báo cáo này, hệ thống hóa và gửi đến các đại biểu Quốc hội. Đây là nguồn thông tin hết sức quan trọng để các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát, quyền chất vấn của mình tại Kỳ họp thứ 10, yêu cầu Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành giải trình rõ tại sao chưa làm được, vướng mắc ở đâu và hứa đến bao giờ thực hiện được.

Như vậy, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ  10 sẽ rất mở, bất kỳ thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng phải sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ có nghị quyết để chuyển cho Quốc hội Khóa XV tiếp tục giám sát, chất vấn. Quốc hội sẽ giám sát đến cùng những vấn đề đã chỉ ra. Kỳ họp này chắc chắn nội dung chất vấn sẽ rất sôi động.

Đề cập tới những tác động của đại dịch COVID-19, phóng viên báo Tin tức nêu câu hỏi: "Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân, nhưng vẫn chưa đủ. Vậy tại kỳ họp này, Chính phủ có trình Quốc hội xem xét, quyết định thêm những chính sách hay gói hỗ trợ nào đối với doanh nghiệp, người dân hay không"?.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa báo cáo về vấn đề này. Tại Phiên họp thứ 49 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung về đánh giá kết quả thực hiện các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, đồng thời phải chi nguồn lực khá lớn để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động của nền kinh tế nên thật sự, nguồn lực của Nhà nước cũng đang khó khăn.

“Vì thế, trước khi bàn đến gói hỗ trợ thứ hai, theo tôi, phải rà soát, thực hiện thật tốt, đạt hiệu quả cao nhất gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã được Chính phủ quyết định và các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đã được Quốc hội phê chuẩn. “Gói” gì thì “gói”, giải pháp gì thì giải pháp, vấn đề cốt lõi vẫn là phải tổ chức thực hiện thật minh bạch và hiệu quả”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo Tin tức.

Theo dự kiến, chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc ngày 20/10 và được chia làm 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Đợt 2, Quốc hội làm việc theo hình thức tập trung và sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế...

Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Đây là kỳ họp đặc biệt, có tính chất tổng kết lại rất nhiều nội dung, nhiệm vụ đã được Quốc hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ, nhưng vấn đề quan trọng nhất, cần dành ưu tiên cao nhất vẫn là bàn thảo và quyết định các giải pháp phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ có phút mặc niệm đối với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Văn Man vừa hy sinh trong cuộc chỉ huy cứu hộ tại miền Trung. Quốc hội đồng thời cũng tiến hành bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc thuộc đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bão lụt, thiên tai là điều không ai mong muốn. Đồng bào miền Trung phải gồng mình chống chịu từng cơn bão lũ rất ác liệt vừa qua. Các chiến sỹ của chúng ta cũng ngày đêm cùng với bà con chống đỡ. Nhưng không may, vừa qua, nhiều chiến sỹ đã hy sinh. Đến nay, không chỉ có 13 chiến sỹ mà còn 22 chiến sỹ đã thiệt mạng do mưa lũ, chúng ta vẫn đang tiếp tục tìm kiếm. Đây là việc hết sức đau xót.  

Trong phiên trù bị, Quốc hội sẽ có phút mặc niệm đối với nguyên ĐBQH, Thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Văn Man vừa hy sinh trong cuộc chỉ huy cứu hộ tại miền Trung. Quốc hội cũng chia sẻ sự mất mát với đồng bào miền Trung, với gia đình các chiến sỹ đã hy sinh. Đối với trường hợp ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân nữa. Quốc hội phải cũng sẽ bãi nhiệm đối với ĐBQH Phạm Phú Quốc. “Tôi dùng từ bãi nhiệm, khác với miễn nhiệm” vì ông này đã vi phạm, không trung thực khai báo, vi phạm trong việc sử dụng hộ chiếu nước ngoài…".

Theo quy định, việc bãi nhiệm phải bỏ phiếu kín nên phải chờ Quốc hội họp tập trung vào đợt 2 thì mới tiến hành các thủ tục được. Phải tiến hành họp đoàn, lấy ý kiến sau đó mới tiến hành bỏ phiếu… Khi họp trực tuyến không thể làm việc này được. Chúng tôi sẽ tiến hành ngay khi QH họp tập trung vào ngày mùng 2/11. 

Tin, ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức