06:18 14/06/2018

Quốc hội biểu quyết thông qua hai dự án Luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 14/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thể dục, thể thao với tỷ lệ 93,84% phiếu tán thành và Luật Đo đạc và bản đồ với tỷ lệ 92,61% phiếu tán thành.

Toàn cảnh phiên họp chiều 14/6. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, bổ sung các quy định về: Thể dục, thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; đặt cược thể thao và một số nội dung khác. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo đó, nhiều ý kiến tập trung vào việc không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm trung tướng; một số quy định về xây dựng lực lượng công an chính quy cấp xã, thị trấn.

Về quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch; tạo thuận lợi trong quá trình giám sát, kiểm tra thi hành Luật. Một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như dự án Luật để phù hợp với yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, bảo đảm bí mật về tổ chức, linh hoạt trong thực tiễn, tránh phải sửa đổi Luật khi có sự điều chỉnh về tổ chức, bộ máy. 

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, cần bổ sung quy định cụ thể tiêu chí Cục đặc biệt; số lượng vị trí cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân để giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quy định cụ thể, tránh thực hiện thiếu thống nhất hoặc lạm dụng khi áp dụng. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể cấp bậc hàm cao nhất của sĩ quan biệt phái được bổ nhiệm chức vụ tương đương Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và các chức vụ khác theo nguyên tắc chức vụ tương đương thì cấp bậc hàm tương đương.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong dự án Luật để tránh chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời rà soát kỹ thuật lập pháp, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Buổi chiều, với 451 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 92,61%, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Với 9 chương, 61 điều, Luật Đo đạc và bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ hoặc có hoạt động khác liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ Việt Nam.

Nội dung thứ hai trong phiên họp chiều 14/6, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Chăn nuôi. Đa số các đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Chăn nuôi, bởi ngành chăn nuôi nước ta trong những năm qua đã có sự phát triển khá nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển các sơ sở chăn nuôi quy mô lớn và phát triển ngành chăn nuôi. Văn bản pháp luật cao nhất liên quan đến ngành này là Pháp lệnh giống vật nuôi được ban hành cách đây 14 năm. Sự ra đời của Luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý, khắc phục khó khăn, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi của nước ta thời gian tới.

Quan tâm đến quản lý thức ăn chứa kháng sinh trong chăn nuôi, nhiều đại biểu cho rằng việc sử sụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào dự án Luật quy định cấm lạm dụng kháng sinh; sử dụng chất cấm trong hoạt động chăn nuôi.

Liên quan đến quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi, một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, khảo sát cụ thể, bởi việc phân bố dân cư ở khu vực đồng bằng luôn đông đúc, nếu đặt xa khu vực dân cư này sẽ phải gặp khu vực dân cư khác. Trong khi đó ở khu vực miền núi, kiến trúc nhà sàn, người dân có tập quán sinh sống ở tầng trên, chăn nuôi ở tầng dưới. "Khó quản thì cấm" sẽ gây khó khăn đến hoạt động chăn nuôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ban soạn thảo nên tiếp tục cân nhắc, xem xét điều chỉnh quy định cho khả thi hơn, cần thiết phải có lộ trình phù hợp theo đặc thù vùng, miền theo hướng chăn nuôi là hoạt động có điều kiện, có chế tài nghiêm ngặt nhưng yêu cầu về bảo đảm môi trường, giữ gìn an toàn vệ sinh nguồn nước sinh hoạt và không ảnh hưởng sức khỏe, đời sống cư dân trong khu vực.

Theo chương trình, sáng 15/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Phúc Hằng (TTXVN)