02:10 15/02/2019

Quảng Ninh: Chủ động đối thoại với dân để chấm dứt sản xuất vôi thủ công

TP Uông Bí, Quảng Ninh, đang nỗ lực đối thoại với người dân để nhận được sự đồng thuận trong việc triển khai Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Lò sản xuất vôi thủ công tại phường Phương Nam. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Trước đó, chiều 14/2, thành phố Uông Bí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các lò sản xuất vôi thủ công chưa tháo dỡ, hoặc cố tình hoạt động trở lại ở phường Phương Nam thì gặp sự cản trở của các hộ sản xuất. Dù chưa có xô xát lớn, song người dân đã dùng gạch đá ngăn chặn xe ô tô chở lực lượng thực thi vụ. Cho đến sáng 15/2, chiếc xe ô tô của lực lượng chức năng vẫn bị người dân "phong tỏa".

Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà cho biết, có 1 phụ nữ nói rằng có bệnh tim, tự ngã đã nhập viện. Nhân viên y tế đã khám và cho rằng tình hình sức khỏe của phụ nữ này ổn định. Tuy nhiên, hiện tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn vẫn được duy trì ổn định.

Thành phố Uông Bí là địa phương có số lượng cơ sở sản xuất vôi thủ công nhiều nhất tỉnh Quảng Ninh. Cả tỉnh có hơn 60 cơ sở, riêng thành phố Uông Bí có 46 cơ sở với 115 ống lò các loại và tập trung chủ yếu tại 2 phường: Phương Nam (42 cơ sở) và Phương Đông (4 cơ sở). Hầu hết số lò vôi được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp.

Trong quá trình xây dựng, các lò vôi đều chung cảnh “3 không” gồm: không được cấp phép, không có quy hoạch xây dựng và không có giấy phép xây dựng. Công nghệ sản xuất lò vôi thủ công liên hoàn, dây chuyền thô sơ lạc hậu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh vôi tại đây đã tác động lớn đến ô nhiễm môi trường xung quanh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời hạn dừng các hoạt động của các lò sản xuất vôi thủ công trước năm 2020. Ở Quảng Ninh, tỉnh đưa ra lộ trình chấm dứt sớm hơn. Theo kế hoạch 1460/KH-UBND, đến hết ngày 31/12/2018, tỉnh sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi triển khai kế hoạch, tỉnh và các địa phương đã nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi thủ công và người lao động trực tiếp tại các lò vôi thủ công. Nhiều ý kiến đề xuất tỉnh cho lùi thời hạn chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công; có cơ chế hỗ trợ các chủ cơ sở và người lao động vì nhiều chủ cơ sở hiện đã phải cầm cố tài sản vay nợ ngân hàng; người lao động sẽ mất việc khi lò dừng hoạt động.

Trước những khó khăn mà chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi thủ công và người lao động gặp phải khi chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công, đầu tháng 12/2018, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, các chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tại các lò vôi thủ công sẽ được hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng; hỗ trợ kinh phí trong thời gian dừng sản xuất để chuyển đổi nghề (chủ lò và người lao động trực tiếp dài hạn được hỗ trợ 10 triệu đồng/người, người lao động ngắn hạn được hỗ trợ 5 triệu đồng/người); hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi nghề…

Để người dân có thời gian sản xuất, ổn định dịp trước Tết Nguyên đán, Nghị quyết cũng cho phép lùi thời hạn dừng hoạt động đến ngày 31/1/2019 và hoàn thành việc tháo dỡ, khôi phục lại mặt bằng trước ngày 31/3/2019.

Ngày 24/12/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Văn bản số 9592/UBND-XD4 yêu cầu các địa phương căn cứ cơ chế chính sách quy định tại Nghị quyết để triển khai.

Tại buổi tiếp dân thường kỳ tháng 1/2019, trong số đoàn công dân đến Trụ sở tiếp công dân tỉnh, có 14 hộ dân của phường Phương Nam của thành phố Uông Bí. Các hộ dân này lại tiếp tục đưa ra những lý do như: vay nợ ngân hàng, tồn đọng nguyên vật liệu, người lao động mất việc… để đề nghị lùi thời hạn chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công đến năm 2020.

Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm, các hộ sản xuất cũng yêu cầu được cho kéo dài hoạt động các lò sản xuất vôi thủ công đến khi đốt hết nguyên liệu còn tồn. Song số lượng tồn cũng không thể thống kê là bao nhiêu.

Dù thời hạn dừng hoạt động đã qua, song hiện nay, toàn thành phố còn 24 ống lò vẫn hoạt động đốt nung, 24 ống lò khác trong trạng thái ủ lò chờ hoạt động trở lại.

Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho biết, thành phố sẽ xử lý cương quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh trong việc dừng hoạt động các lò sản xuất vôi thủ công. 

Trước những khó khăn hiện tại, dự kiến ngày 15/2, chính quyền thành phố tiếp tục tổ chức đối thoại với các hộ sản xuất vôi thủ công để người dân hiểu được chính sách và chủ trương của tỉnh, đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các hộ.

Văn Đức (TTXVN)