06:06 14/06/2017

Quảng Ngãi khó gỡ 'nút thắt' trong thực hiện Nghị định 67

Việc triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản tại Quảng Ngãi đang phát sinh những bất cập.

Hiệu quả khai thác tàu vỏ sắt được đánh giá là chưa cao. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Cùng với các tỉnh Bình Định và Phú Yên, việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) tại Quảng Ngãi cũng phát sinh những bất cập và bên chịu thiệt thòi chính là ngư dân. Thời điểm này, họ như “đơn thân độc mã” trên con đường tiếp cận chính sách mới về thủy sản, trong khi các ban, ngành chức năng của tỉnh thì đang tìm cách tháo gỡ.

Nghị định 67 chính thức triển khai tại Quảng Ngãi vào năm 2015 và được xem như “làn gió mát” cho ngư dân. Họ hy vọng chính sách này của Nhà nước sẽ giúp họ vững vàng hơn trong hành trình bám biển, hướng tới sự hiện đại, hiệu quả, an toàn. Thế nhưng, "niềm vui chẳng tày gang" khi nguồn vốn vay theo Nghị định 67 bị “vướng” ở các ngân hàng. Rất nhiều hợp đồng nằm trên giấy năm này qua năm khác, gọi là để xác minh có đủ điều kiện cho vay hay không. Ngư dân thì ngược xuôi không biết bao nhiêu lần, nhiều trường hợp nản lòng muốn thôi.

Tại cuộc họp mới đây, đại diện phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra lý do, họ cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân, nhưng phải xét đến mức độ rủi ro mà đơn vị cho vay có thể gặp phải. Sự “dè chừng” này đã trở thành rào cản ngăn nguồn vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng.

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới có 10 tàu vỏ sắt và 32 tàu vỏ gỗ đóng theo Nghị định 67. Trong 10 tàu vỏ sắt thì có đến 9 tàu bị hỏng hóc ở mức độ cho phép? (thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi) và hiệu quả khai thác chưa cao.

Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hầu hết các tàu cá của ngư dân đều không đóng theo 42 mẫu tàu do Nhà nước quy định nên phát sinh sự cố khi hành nghề là điều đương nhiên. Còn khai thác không đạt sản lượng là do chủ tàu và các thuyền viên chưa qua các lớp đào tạo nghề.

Khi mọi sự vỡ lẽ ra thì người gánh chịu không ai khác là ngư dân. Họ chẳng được “ăn sóng nói gió” với cấp có thẩm quyền, những người trực tiếp hoặc gián tiếp thực thi chính sách với họ. Hẳn ai cũng biết vào tháng 2/2016, tàu cá của ngư dân Nguyễn Lượm, trú xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ khi đang neo đậu ở cảng Sa Huỳnh thì bất ngờ bị bốc cháy, chìm xuống biển.

Gia đình ông đã mua bảo hiểm theo Nghị định 67 cho tàu tại Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi, nhưng khi đến làm thủ tục để nhận tiền bảo hiểm thì phía Bảo Minh yêu cầu ông Lượm phải trục vớt xác tàu để công an điều tra nguyên nhân cháy. Tiền trục vớt ông Lượm phải tự lo.

Rơi vào thế khó, ông Lượm bất lực bỏ luôn tài sản hàng tỷ đồng đang nằm dưới đáy đại dương, kể cả tiền bảo hiểm chưa được nhận bởi lẽ số tiền trục vớt tàu lên tới 300 triệu đồng, ông chẳng biết xoay sở đâu ra. Trong trường hợp trục vớt được, nếu không xác định được nguyên nhân đồng nghĩa với việc ông mất cả "chì lẫn chài".

Bức xúc thay cho ngư dân, lãnh đạo các huyện có ngành ngư nghiệp đã thẳng thắn đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những "nút thắt". Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh, đến lúc các ngân hàng cần có cơ chế thông thoáng hơn để ngư dân tiếp cận vốn vay. Nhiều trường hợp, người dân đã chứng minh được năng lực tài chính của mình (xuất trình các giấy tờ liên quan như sổ tiết kiệm gửi ngân hàng…), nhưng ngân hàng vẫn băn khoăn, ái ngại làm chậm trễ thời gian giải ngân. Thực tế cho thấy, đã có 15 ngư dân trong huyện vì quá thất vọng nên rút hồ sơ không tham gia vay nữa.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bày tỏ, nếu không sớm tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai Nghị định 67 thì việc kiện cáo, hầu tòa là điều không tránh khỏi. Ngân hàng cho vay chậm, nhưng nếu ngư dân chưa kịp trả nợ thì liệt ngay vào nợ xấu, gây mất lòng tin cho ngư dân.

“Ngân hàng cũng nên nghĩ đến việc kéo giãn thời gian trả nợ vì ngư dân không thể trả gốc lẫn lãi quá cao trong thời gian đầu đánh bắt bằng phương tiện mới. Tốt nhất là điều chỉnh từ 11 năm lên 16 năm hoặc dài hơn”- bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, tỉnh nên quan tâm đầu tư xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tại các huyện có biển để ngư dân dễ dàng hơn trong những đi về.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi mới đây, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi quan tâm đến ngư dân, nhất là trong trường hợp họ gặp thiên tai, rủi ro trên biển. Như trường hợp của ông Nguyễn Lượm, tỉnh nên hỗ trợ về khoản trục vớt tàu và coi đó là bài học vận dụng cho những sự cố tương tự về sau.

Đối chất về vấn đề trả nợ của ngư dân, một lần nữa đại diện BIDV giữ nguyên ý kiến và cho rằng, ngân hàng yêu cầu ngư dân trả tiền gốc lẫn lãi theo mức cao đến thấp dần là có lý do. Bởi khi tàu mới bàn giao thì trang thiết bị tốt, hiệu quả đánh bắt sẽ cao và có khả năng trả nợ lớn. Nếu giãn nhiều năm, khi tuổi thọ của tàu giảm, hoạt động đánh bắt thủy hải sản cũng giảm sút theo, ngân hàng sẽ không có chi phí để bù số tiền đã giải ngân nếu ngư dân mất dần khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh không đồng tình ý kiến này. Theo ông, phải để ngư dân có thời gian vì cái mới bao giờ cũng khó tiếp cận. Họ phải bỏ ra vài tháng mới thành thục các bước điều khiển con tàu chứ không phải ra khơi là khai thác được như ý muốn. Đồng thời phải tạo cho ngư dân cơ hội tích lũy bởi hiện nay họ luôn phải lo trả nợ thì không biết đến bao giờ mới có lãi.

Vĩnh Trọng (TTXVN)