09:14 02/09/2011

Quảng Nam: “Vàng trắng” trên quê hương cách mạng

Lớp lớp cây cao su xanh mỡ màng, từng dòng nhựa trắng chất đầy những chuyến xe, mái ngói đỏ tươi của những ngôi nhà vừa cất lên… tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc hòa quyện không khí ấm cúng nơi miền quê Hiệp Đức.

Lớp lớp cây cao su xanh mỡ màng, từng dòng nhựa trắng chất đầy những chuyến xe, mái ngói đỏ tươi của những ngôi nhà vừa cất lên… tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc hòa quyện không khí ấm cúng nơi miền quê Hiệp Đức – từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ đã chứng tỏ sự biến chuyển sâu sắc, tốt đẹp ở đây. Có sự “đổi đời” đó cũng là nhờ chính quyền và người dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất và đưa cây cao su vào trồng trong những năm gần đây.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hiệp Đức, Quảng Nam là địa bàn đứng chân của các cơ quan đầu não khu V. Từ cái nôi cách mạng này đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc được tôi luyện và trưởng thành. Người dân ở đây một lòng đi theo cách mạng, vượt qua bao khó khăn gian khổ cùng chung lưng đấu cật với cán bộ, chiến sỹ đấu tranh với quân thù. Đây là căn cứ cuối cùng để chỉ đạo Cách mạng miền Trung và Tây Nguyên và là nơi diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng bộ khu V và nhiều Hội nghị quan trọng khác dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V và Bộ Tư lệnh Quân khu trước khi mở cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cạo mủ cao su.


Sau khi hoà bình lập lại, vùng căn cứ cách mạng này còn nghèo, 85% dân số sống bằng nghề nông và chưa biết tận dụng thế mạnh tài nguyên về thổ nhưỡng và đưa cơ giới vào sản xuất. Với diện tích tự nhiên gần 50.000 ha, trong đó đất chưa sử dụng khoảng hơn 26.000 ha. Dân số khoảng hơn 40.000 người (dân tộc thiểu số chiếm khoảng gần 10%, chủ yếu là dân tộc Cadong, Mơnông). Cái đói, cái nghèo vẫn cứ luẩn quẩn đeo bám lấy bà con. Với quyết tâm “đã thắng Mỹ thì không thể thua cái đói, nghèo”. Lãnh đạo huyện Hiệp Đức liên tục mày mò để tìm hướng đi thoát nghèo cho bà con và tìm hướng phát triển cho huyện. Sau nhiều đắn đo, thử nghiệm, đến năm 2000, cây cao su được đưa vào trồng tại những vùng đất đồi.

Nhằm thu hút các doanh nghiệp cũng như cá nhân, tổ chức chung tay phát triển cây cao su, Hiệp Đức đã mạnh dạn quy hoạch các vùng cao su đại điền, tiểu điền để người trồng cao su định hướng cho công việc phát triển kinh tế. Chính vì cơ chế “mở” đó, Công ty Cao su Quảng Nam cũng đựơc thành lập và triển khai trồng cao su đại điền trên diện rộng thu hút hàng ngàn lao động địa phương. Đến nay, diện tích cao su đại điền trên địa bàn huyện đã lên tới gần 3.000 ha và đang cạo mủ.

Để khuyến khích người dân địa phương trồng cao su tiểu điền, huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ người dân địa phương trồng mới mỗi ha cao su là 3 triệu đồng. Hầu như tất cả các xã, đặc biệt là những xã vùng cao phía tây của huyện đang nỗ lực phát triển cây cao su như Sông Trà (211 ha), Quế Lưu (112 ha) Thăng Phước 66 ha)... Đến nay đã có khoảng 700 ha cao su tiểu điền do người dân địa phương làm chủ đang vào thời kỳ cạo mủ.

Anh Đoàn Văn Tám (xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức) là một trong những người tiên phong trồng cao su tiểu điền cho biết: “Gia đình tôi trồng 3 ha cao su, đến nay đã có 2 ha cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm đem lại cho gia đình khoảng hơn 300 triệu đồng. Từ đó gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, tạo điều kiện cho 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, và kết quả đứa nào cũng học giỏi. Sau đợt thu hoạch cao su vừa rồi được mấy trăm triệu, gia đình tôi đã quyết một chuyện “động trời” là mua vé máy bay về thăm quê vợ ở Hải Dương. Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời mọi thành viên trong gia đình chúng tôi được ngồi trên máy bay, thật là mơ cũng không tưởng tượng nổi!”.

Với những thực tế đã đạt được từ trồng cây cao su và đưa cây cao su thành thế mạnh để phát triển kinh tế của huyện, Phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Đức đã tham mưu cho lãnh đạo huyện tiếp tục quy hoạch các vùng cao su và phấn đấu đến năm 2015, Hiệp Đức sẽ trồng được khoảng 8.000 ha cao su đại điền và tiểu điền.

Ông Lê Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức hồ hởi: Mặc dù xuất phát điểm là huyện nghèo, nhưng phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm qua, Hiệp Đức đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế. Trong đó việc “dũng cảm” đưa cây cao su vào trồng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Kể từ khi đưa vào trồng cho đến khi thu hoạch mất khoảng 5 - 6 năm. Tuy nhiên khi cây đã cho thu hoạch thì đem lại thu nhập ổn định với mức cao cho người dân đến hàng chục năm sau. Chúng tôi xác định câu cao su là cây “làm giàu” của huyện trong thời gian tới.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi bán mủ cao su không phải di chuyển xa và bị tư thương ép giá. Huyện Hiệp Đức đang phối hợp với Công ty Cao su Quảng Nam xúc tiến xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn huyện với công suất 4.000 tấn/năm. Từ đây, người dân có thể yên tâm trồng cây cao su khi có nơi đảm bảo đầu ra với giá ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao…

Và cứ thế, hàng ngày những dòng “vàng trắng” vẫn chảy trên quê hương cách mạng Hiệp Đức anh hùng, đem lại đời sống ấm no cho người dân địa phương.

Nguyễn Sơn