05:11 31/05/2013

Quảng Nam hấp dẫn từ sản phẩm du lịch

Trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu giảm, nhưng với tỉnh Quảng Nam, lượng khách vẫn tăng so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2013, Quảng Nam đã đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó có trên 650.000 lượt khách quốc tế...

Trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu giảm, nhưng với tỉnh Quảng Nam, lượng khách vẫn tăng so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2013, Quảng Nam đã đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó có trên 650.000 lượt khách quốc tế, tăng 4,9%; trên 367.000 lượt khách nội địa, tăng 15,39% so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu du lịch 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 510 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 1.187 tỷ đồng.


Hưởng ứng chương trình kích cầu của Tổng cục Du lịch, Quảng Nam đang chuẩn bị cho Festival di sản 2013 và các hoạt động quảng bá thu hút khách từ chính chất lượng sản phẩm du lịch. Chúng tôi đã trao đổi với ông Đinh Hài (ảnh), Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam về vấn đề này.

Festival di sản được nhìn nhận như là một hoạt động quảng quá xúc tiến du lịch. Vậy Quảng Nam đang chuẩn bị chương trình này ra sao?

Festival di sản Quảng Nam được tổ chức từ 21 - 26/6 là một hoạt động quảng bá định kỳ của tỉnh Quảng Nam và nay đã bước sang kỳ thứ 5. Chương trình năm nay, ngoài sự tham gia hoạt động của cộng đồng địa phương, còn có sự tham gia hoạt động của các nước ASEAN. Hiện nay đã có 8 nước đăng ký hoạt động và 16 địa phương tham gia. Trong đó, có những địa phương có di sản văn hóa thế giới được công nhận cũng như các địa phương đang chuẩn bị hồ sơ trình lên UNESCO để công nhận di sản văn hóa thế giới.

Đèn lồng - sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Hội An


Festival di sản lần này có 3 trọng tâm gồm: Triển lãm không gian văn hóa Việt Nam - ASEAN. Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Cuộc thi hợp xướng quốc tế lần thứ 3. Ngoài ra còn có các chương trình về hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch; trong đó có hội nghị quốc tế về bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng thông qua các sinh hoạt cộng đồng để tái hiện văn hóa của người dân địa phương như chương trình đêm phố cổ Hội An, đêm Mỹ Sơn, ngày hội văn hóa Chăm, các hoạt động thể thao truyền thống. Tất cả sẽ tạo ra một chương trình đa sắc màu, nhiều hoạt động để có sức quảng bá, thu hút du khách đến với Quảng Nam.

 

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp lữ hành và du khách, điều du khách quan tâm là được tham dự vào những hoạt động cụ thể nào?

 

Thế mạnh của Quảng Nam là du lịch cộng đồng nên lần này chúng tôi cũng chú trọng các hoạt động cộng đồng để cho du khách có thể trải nghiệm văn hóa của địa phương. Thông qua các chương trình, các tour tới đảo Cù Lao Chàm, rồi thăm quan các làng quê, làng nghề, du khách có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương thông qua chương trình làm người nông dân ở Hội An, làm ngư dân ở Hội An, làm thợ thủ công ở Hội An.

Du khách quốc tế nghe giới thiệu về “hội quán” tại Hội An.


Đến nay mọi công tác chuẩn bị cho Festival cũng đã đi hoàn tất. Quảng Nam và các địa phương có di sản về văn hóa sẽ cùng tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Thông qua đó, Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng cũng sẽ nâng cao tự hào của người Việt Nam và của nhân dân địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.


Hiện nay Tổng cục Du lịch đang phát động chương trình kích cầu du lịch nhưng kinh phí hỗ trợ chưa có. Vậy Quảng Nam sẽ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương khi tham gia chương trình này?

 

Kích cầu du lịch hàng năm là hết sức quan trọng, ngoài việc thu hút kích cầu khách quốc tế còn có kích cầu khách nội địa. Với Quảng Nam, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng bá tại Festival di sản, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Giảm giá là điều cần thiết nhưng để khách quay trở lại và nhớ đến mình chính là sản phẩm có chất lượng. Thực tế chứng minh, du khách vẫn đến Quảng Nam tăng do chất lượng sản phẩm, không có nạn “chặt chém”, đeo bám khách.

Sản phẩm lưu niệm tại ngôi nhà cổ Hội An.


Để chính sách kích cầu đạt hiệu quả cần chính sách tầm quốc gia. Chúng ta nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế việc nhập khẩu các phương tiện tham gia du lịch như ô tô. Tổng cục Du lịch và Bộ VH,TT&DL nên đề xuất những chính sách cụ thể hơn như khi kích cầu vào phát triển du lịch ở vùng sâu, vùng xa thì cũng nên có cơ chế hỗ trợ về vốn cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, hỗ trợ về quy hoạch, về hạ tầng. Có như vậy thì sự phát triển mới lan tỏa ra, không tập trung vào một số điểm trọng tâm như hiện nay.

 

Như ông vừa trao đổi, Quảng Nam là tỉnh ít điều tiếng về nạn “chặt chém khách”, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách làm của tỉnh về vấn đề này?

 

Kinh nghiệm để tạo ra sự thân thiện giữa người dân địa phương với du khách có rất nhiều khía cạnh, theo chúng tôi vấn đề cơ bản mà Hội An làm được là vấn đề chia sẻ với cộng đồng, người dân thường xuyên được nâng cao nhận thức bảo vệ di sản, thân thiện. Chúng tôi cũng thông qua các mạng lưới của mặt trận cơ sở, cấp đoàn thể, tổ chức các cuộc họp giới thiệu nhân dân về di sản cũng như về du lịch. Những cái đó, dần dần tạo thành phong cách của người dân địa phương.


Các biện pháp về mặt hành chính cũng ở một mức tương đối, có thể nói rằng đó là sự vận động cũng khá lâu rồi. Chúng tôi cũng hết sức chặt chẽ với nguyên tắc trong việc bảo vệ khách du lịch, cũng như bảo vệ di sản cho nên đã tạo ra một nét trong nhân dân.


Thanh tra sở du lịch cũng làm việc rất tích cực, ngoài việc bảo đảm các pháp luật về du lịch, còn phải ngăn ngừa cho được sự chặt chém diễn ra đối với du khách. Chúng tôi cũng tổ chức một đường dây nóng ở Hội An để kịp thời xử lý những vướng mắc của du khách.

 

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng khi sửa đổi Luật Du lịch cần lập lực lượng cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Ở khía cạnh pháp lý, làm thế nào đó để bảo vệ du khách thì chúng tôi thấy cần phải tăng cường điều khoản bảo vệ du khách ở Luật Du lịch sửa đổi. Lực lượng bảo vệ du khách có thể là cảnh sát du lịch hoặc tại các điểm du lịch cũng hình thành bộ phận chuyên trách, chuyên về công tác an ninh, trật tự bảo vệ du khách.

Xin cám ơn ông!

Bài và ảnh:Thu Thủy- Xuân Minh