11:17 30/11/2021

Quan tâm tới sức khỏe tinh thần học sinh, sinh viên khi học trực tuyến kéo dài

Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tinh thần của người dân. Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Thực tế cho thấy, bên cạnh lo lắng về sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, việc học tập trực tuyến kéo dài, thiếu sự tương tác với môi trường bên ngoài là những vấn đề mà học sinh, sinh viên cảm thấy áp lực nhất. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh dễ tạo nên cho các em biểu hiện căng thẳng tâm lý. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) chia sẻ, dù là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, việc học trực tuyến kéo dài gây nên nhiều tác hại về sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Những ảnh hưởng tiêu cực đối với mắt, cột sống, hô hấp... cho cả học sinh và giáo viên khi tiếp xúc liên tục với màn hình máy tính, điện thoại trong thời gian học trực tuyến đã được ghi nhận. Về mặt tinh thần, tâm lý, khả năng truyền cảm, kết nối giữa thầy và trò rất hạn chế. Qua khảo sát tại nhà trường, đa số các em mong muốn đến trường học trực tiếp. Phụ huynh mong muốn cho con em trở lại trường, tuy nhiên điều họ quan tâm nhất là việc đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học trở lại.

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, do diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nên hoạt động tư vấn tâm lý, hỗ trợ về sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh là một trong những nội dung quan trọng mà ngành giáo dục tập trung trong năm học này. Ngành tập trung triển khai hoạt động này từ đầu năm học, trong đó chú trọng tập huấn cho đội ngũ giáo viên biện pháp hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý. Các trường xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, giúp các em vượt qua những sang chấn tâm lý nếu có.

Với sinh viên, việc học trực tuyến kéo dài cũng gây áp lực không nhỏ về mặt tâm lý của các em. Kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mới đây về tác động của dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên với sự tham gia của hơn 37.000 sinh viên cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu, áp lực học tập trực tuyến cao nhất. Sinh viên có xu hướng lo lắng về vấn đề này, với nhiều lý do như trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, mất đi nền nếp của trường học.

Mặt khác, sinh viên đặc biệt lo lắng về sự an toàn khi phải sống trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Ngoài ra, sinh viên còn có các áp lực, lo lắng về khả năng đóng học phí, mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu. Khảo sát này ghi nhận đa số sinh viên thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt. Đáng chú ý, 48% sinh viên được khảo sát thừa nhận đã cảm thấy bản thân có nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống của mình trong thời gian dịch bệnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên nhóm nghiên cứu, dịch COVID-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề và áp lực tâm thần ở sinh viên. Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng, các cơ sở giáo dục nên có những biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có một cuộc sống tâm thần tốt.

Trong đó, cần khai thác tốt những dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên; triển khai nhanh chính sách hỗ trợ tài chính, gia hạn và tặng học bổng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên gặp khó khăn; tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến, chương trình học thuật để sinh viên có điều kiện giao lưu, học tập, rèn luyện. Mặt khác, cần tuyên truyền, khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động cộng đồng để khắc phục và giảm thiểu hậu quả tâm thần do đại dịch gây ra.

T.Hoài (TTXVN)