06:10 15/06/2017

Quan tâm tạo điều kiện cho người từng lầm lỗi vươn lên

Theo Công an tỉnh Lai Châu, hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 3.177 người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về sinh sống tại địa phương.

Lực lượng Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc giao lưu, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất kinh doanh để giúp những người từng mắc lỗi lầm tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ vậy, nhiều người đã từng mắc sai lầm, sau khi trở về đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người cùng cảnh ngộ.

Anh Nguyễn Văn Lương, ở xã Mường Cang ( huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã từng bị phạt 3 năm tù vì tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Năm 2011, anh Nguyễn Văn Lương mãn hạn tù trở về, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Không tự ti mặc cảm, anh Lương đã vay vốn để mở quán ăn.

Anh chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thấy cái lợi trước mắt nên anh từng phạm tội, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội. Những ngày tháng ở tù, anh đã nhận thức được sai lầm. Ra tù, được chính quyền địa phương động viên, tạo điều kiện giúp đỡ, anh đã vươn lên làm kinh tế, xây dựng gia đình no ấm.

Quán ăn của anh Lương mở ra ngày một đông khách, nhờ vậy anh đã dần trả được nợ và tích góp tiền mở rộng quán, tuyển thêm nhân viên bán hàng. Anh Lương đã tuyển những người từng một thời lầm lỗi vào làm việc, tạo điều kiện cho họ có việc làm, thu nhập ổn định để không tái phạm. Quán ăn của anh Lương đang tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương 4 triệu đồng/ người/tháng.

Hiện nay, gia đình anh Lương là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả ở xã Mường Cang, là điển hình tiên tiến xuất sắc trong tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế.

Anh Lò Văn Nhọm (43 tuổi, dân tộc Thái ở xã Hua Nà, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cũng từng là người phạm tội khi đã mang 15 triệu đồng tiền giả từ Lai Châu sang tỉnh Yên Bái để tiêu thụ và bị bắt, bị kết án 5 năm tù.

Dù kinh tế khá giả nhưng anh Nhọm vẫn không bỏ nghề cắt tóc, vì nó giúp nhớ lại những ngày tù tội và gian khó.

Năm 2007, anh phải thụ án tại Trại giam Hưng Khánh ở tỉnh Yên Bái. Sau hơn 2 năm ở tù, cải tạo tốt nên anh Nhọm được đặc xá ra tù trước thời hạn. Về nhà, anh từng sống khép mình, không ra ngoài vì mặc cảm. Sau đó, được đại diện chính quyền, các đoàn thể và họ hàng đến thăm hỏi, động viên anh Nhọm đã vượt qua mặc cảm tu chí làm ăn để nuôi vợ con.

Học được nghề cắt tóc trong trại giam, anh Nhọm mua dụng cụ mở quán cắt tóc. Sau đó, tích góp được ít vốn, anh chuyển sang làm thêm nghề mổ lợn bán thịt. Kinh tế gia đình dần thoát nghèo, có của ăn của để dành.

Anh Lò Văn Nhọm cho hay: “Trước đây, do hám lợi nên tôi không nhận thức được việc mang tiền giả đi tiêu thụ là vi phạm pháp luật. Khi bị kết án, ngồi tù, tôi mới hối hận và đã cố gắng cải tạo tốt để được về sớm. Trở về được chính quyền địa phương và anh em giúp đỡ, tôi đã vươn lên làm kinh tế thoát nghèo”.

Sau khi làm nghề mổ lợn, có vốn, anh Nhọm mua xe ô tô tải chở thuê vật liệu xây dựng. Năm 2015, anh Nhọm mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng, cộng thêm tiền dành dụm được, mua máy xúc trị giá hơn 600 triệu đồng, cùng các con đi làm công trình, mở hàng tạp hóa buôn bán. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Nhọm thu nhập trên 200 triệu đồng; gia đình anh là hộ khá giả ở xã Hua Nà.

Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Chính quyền và đoàn thể các cấp luôn gần gũi động viên, giúp đỡ những người lầm lỗi trở về địa phương. Với sự quan tâm của xã hội, bản thân người lầm lỗi sẽ tự tin hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần có quỹ dành cho những người lầm lỡ trở về, hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Việt Hoàng (TTXVN)