07:09 26/07/2012

Quan tâm hơn nữa đến người có công: Nhiều đổi mới về chính sách

Nhằm chăm sóc tốt hơn những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, hệ thống văn bản chính sách ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế đất nước để chăm lo tốt hơn đối với những đối tượng này.

Nhằm chăm sóc tốt hơn những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, hệ thống văn bản chính sách ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế đất nước để chăm lo tốt hơn đối với những đối tượng này. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa đền ơn đáp nghĩa cũng góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho những người có công với nước.

 

Trao đổi với Báo Tin tức, ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- LĐ-TB&XH) cho biết, chính sách của Nhà nước đang có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế và tiến gần hơn đến việc bảo đảm quyền lợi chính đáng cho những người có công với cách mạng.

 

Thưa ông, hoạt động chăm sóc người có công (NCC), thương binh và gia đình liệt sĩ trong thời gian qua đã thực hiện như thế nào?


Cả nước ta hiện có khoảng 8,8 triệu NCC, chiếm gần 10% dân số. Hầu hết NCC và thân nhân họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, đời sống từng bước cải thiện, góp phần to lớn ổn định chính trị - xã hội để phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.


Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đến nay có khoảng 95% số NCC có mức sống bằng và cao hơn mức sống của người dân địa phương tại nơi cư trú. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép các chương trình để chăm lo đời sống NCC ngày càng tốt hơn. Phấn đấu đến năm 2015, tất cả các gia đình NCC có mức sống bằng và cao hơn mức sống của người dân địa phương.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân gặp các Mẹ Việt Nam Anh hùng ngày 25/7/2012. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

 

Người có công sống ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo hiện chiếm tỷ lệ thế nào và có chính sách gì đặc biệt cho đối tượng này, thưa ông?


Diện NCC nằm ở khu vực nông thôn rất lớn. 80% đối tượng NCC nằm ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, đối tượng này luôn luôn biến động giữa vùng nông thôn và thành phố. Một số gia đình NCC khi con cái còn nhỏ thì sống ở nông thôn, miền núi, còn khi con cái thành đạt thì lại chuyển về thành phố, thị xã, thị trấn. Tất nhiên, khi di chuyển đến đâu đều có hồ sơ di chuyển theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.


Nhà nước hết sức quan tâm đối với các trường hợp này. Ngoài các chính sách ưu đãi, còn hỗ trợ kinh phí sửa chữa nâng cấp nhà ở, tạo việc làm, thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình xóa đói giảm nghèo, các đề án… nhằm tạo mọi điều kiện để các gia đình chính sách có được điều kiện vật chất, tinh thần tốt hơn. Tuy nhiên, do vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng có điều kiện kinh tế chưa phát triển nên việc quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương cũng không được nhiều so với các thành phố. Để khắc phục tình trạng đó, cần phối kết hợp 3 nguồn lực chính: Các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ từ cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của bản thân người có công và thân nhân gia đình họ.


Sắp tới, Bộ chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn nữa, chăm lo các đối tượng NCC ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là biên giới, hải đảo để năm 2015, NCC có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú.

 

Mới đây, ngày 16/7/2012, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Những nội dung mới được bổ sung, sửa đổi là gì, thưa ông?


Có nhiều điểm mới đã được sửa đổi, bổ sung trong Pháp lệnh ưu đãi NCC. Chẳng hạn, sẽ sửa đổi chế độ tiền tuất theo hướng khi NCC tham gia bảo hiểm chết thì thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo chế độ ưu đãi NCC, đồng thời, vẫn được hưởng tiền tuất theo chế độ bảo hiểm xã hội nếu đủ điều kiện; chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng của liệt sĩ cũng được sửa đổi bổ sung để phù hợp với thân nhân của nhiều liệt sĩ.


Chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo mở rộng hơn, ưu tiên trong tuyển sinh và tạo việc làm đối với tất cả con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của liệt sĩ được mở rộng. Chế độ điều dưỡng luân phiên cũng được điều chỉnh từ 5 năm 1 lần xuống còn 2 năm 1 lần.


Pháp lệnh cũng bổ sung điều kiện xác nhận liệt sĩ đối với những trường hợp mất tin, mất tích trong các thời kỳ cách mạng; bổ sung điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, đối với những trường hợp chết, bị thương khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất đặc biệt nguy hiểm; bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh đối với những trường hợp bộ đội, công an đã phục viên, xuất ngũ nếu mắc bệnh tâm thần; sửa đổi điều kiện xác nhận bệnh binh đối với trường hợp hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để phù hợp với quy định Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; bổ sung thêm trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

 

Điều quan trọng là làm sao để chính sách này đến được đúng địa chỉ với những người có công thực sự, thưa ông?


Với những địa phương thời gian qua phát hiện hàng nghìn hồ sơ thương binh giả, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương, phối hợp với các ngành chức năng thanh tra và kiểm tra tất cả những trường hợp hồ sơ có biểu hiện gian lận “không đúng người, không đúng sự việc” hoặc chạy theo đường dây làm giả hồ sơ. Bộ kiên quyết phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Ví dụ, một số trường hợp hiện nay Bộ đã yêu cầu các địa phương ra quyết định tạm dừng, không chi trả trợ cấp và chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra xem xét, nếu vi phạm cố tình khai man hồ sơ để được hưởng chính sách thì sẽ bị thu hồi và bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Tới đây, để triển khai hiệu quả việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các bộ, ngành trung ương chuyển tải các thông tin trên hệ thống thông tin đại chúng để nhân dân cả nước biết. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành trung ương có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách hướng dẫn cụ thể, chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, giúp cho người có công được thụ hưởng chính sách kịp thời và chính xác. Đồng thời, thường xuyên thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm hoặc cố tình gian lận chính sách theo quy định của pháp luật.


Xin cảm ơn ông!

 

Mạnh Minh