05:06 23/05/2019

‘Quan tài hạt nhân’ của Mỹ nứt vỡ, nguy cơ rò rỉ phóng xạ xuống biển 

Hầm chứa chất thải phóng xạ từ các vụ thử vũ khí hạt nhân của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh đang có nguy cơ rò rỉ vào Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Hầm bê tông chứa chất thải phóng xạ độc hại trên đảo Runit. Ảnh: EPA

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mô tả hầm chứa bằng bê tông được xây trên đảo Runit thuộc Thái Bình Dương cuối thập niên 1970 là “một loại quan tài”, đồng thời cho rằng các chất độc phóng xạ bên trong căn hầm cũ kỹ này có thể đe dọa đến vùng biển xung quanh. 

Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Guterres phát biểu với các sinh viên nhân chuyến thăm Quần đảo Marshall cuối tuần trước rằng: “Thái Bình Dương từng bị nạn nhân hóa trong quá khứ” bởi các vụ thử bom nguyên tử do Mỹ và Pháp tiến hành tại khu vực này. 

Tổng thư ký Guterres, trong chuyến thăm nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, nhận định: “Hậu quả của những vụ thử trên đã khá rõ ràng, liên quan đến sức khỏe, liên quan đến ô nhiễm nước tại một số vùng”. 

Hòn đảo này từng là nơi Mỹ tiến hành 67 vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó có bom khinh khí "Bravo" năm 1954 – loại bom mạnh nhất Mỹ từng kích hoạt, sức công phá gấp 1.000 lần quả bom ném xuống Hiroshima, Nhật Bản. Tại Quần đảo Marshall, nhiều người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác. Hàng ngàn người bị nhiễm bụi phóng xạ. (Xem video ghi lại đám mây nấm khổng lồ từ vụ thử bom "Bravo" ngày 28/2/1954. Nguồn: Atom Central)

Đất và bụi phóng xạ từ những vụ thử trên đều được đổ vào trong hầm chứa, sau đó đổ nắp bê tông dày 45cm lên trên. Đây được xem là giải pháp tạm thời tại thời điểm đó.

Hiện nay, trên lớp bê tông đã xuất hiện các vết nứt. Các chuyên gia lo ngại nắp hầm có thể vỡ vụn nếu xảy ra một trận bão lớn. Sau đó, chất thải phóng xạ thấm qua “quan tài bê tông” hoặc rò rỉ thứ bùn nguyên tử độc hại vào Thái Bình Dương.

Hoàng Trang/Báo Tin tức