Armenia thiết quân luật sau đụng độ với Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh

Ngày 27/9, Armenia đã "thiết quân luật và tổng động viên" sau đụng độ với Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh mà cả Yeravan và Baku đều thông báo có thương vong trong vụ việc này.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Armenia tại khu vực gần biên giới Armenia - Azerbaijan ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chia sẻ trên tài khoản Facebook, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã xác nhận thông tin trên sau khi kêu gọi người dân chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ vùng đất mà họ sinh sống.

Trong khi đó, theo hãng tin AFP (Pháp) tại một phiên họp khẩn của cơ quan lập pháp vùng Karabkh ở thành phố Stepanakert, người đứng đầu vùng ly khai này, ông Araik Harutyunyan, đã ban bố thiết quân luật và tổng động viên mọi người dân trong khu vực trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự và những người từ 18 tuổi trở lên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Về phần mình, trong một bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định quân đội nước này đang chiến đấu trên vùng lãnh thổ của đất nước. Trong khi đó, quân đội Azerbaijan nói rằng không cần thiết tiến hành tổng động viên.

Hai nước từng thuộc Liên bang Xô viết này đã vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Căng thẳng tái bùng phát vào sáng 27/9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên. Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự. Các vụ đụng độ được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa 2 quốc gia.

Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi hai bên lập tức ngừng bắn và bắt đầu đối thoại để ổn định tình hình. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar kêu gọi Armenia lập tức chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng với Azerbaijan và khẳng định sẽ ủng hộ Baku với "mọi nguồn lực".    

Lê Ánh (TTXVN)
Giao tranh tái bùng phát dữ dội tại khu vực biên giới tranh chấp Nagorno-Karabakh
Giao tranh tái bùng phát dữ dội tại khu vực biên giới tranh chấp Nagorno-Karabakh

Ngày 27/9, các phương tiện truyền thông của Nga và khu vực đưa tin giao tranh đã bùng phát dữ dội tại khu vực biên giới Nagorno-Karabakh có tranh chấp nằm giữa Azerbaijan và Armenia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN