08:00 23/08/2011

Quân nổi dậy đánh chiếm thủ đô Tripôli

Đến 23 giờ (giờ Việt Nam) ngày 22/8, tại thành phố Benghazi, người đứng đầu Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của phe đối lập Libi, ông Mustafa Abdel Jalil, thừa nhận lực lượng nổi dậy chưa kiểm soát được hoàn toàn thủ đô Tripôli.

* Tương lai chưa rõ ràng cho Libi thời hậu Kadhafi

Phe đối lập thừa nhận chưa kiểm soát được hoàn toàn thủ đô

Đến 23 giờ (giờ Việt Nam) ngày 22/8, tại thành phố Benghazi, người đứng đầu Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của phe đối lập Libi, ông Mustafa Abdel Jalil, thừa nhận lực lượng nổi dậy chưa kiểm soát được hoàn toàn thủ đô Tripôli. Lời thừa nhận này được đưa ra sau khi phe đối lập tuyên bố đã kiểm soát được “phần lớn Tripôli” và “kỷ nguyên nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi đã chấm dứt”. Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho rằng nhà lãnh đạo Kadhafi vẫn chưa rời khỏi Libi.

Lực lượng nổi dậy tập trung bên trong một căn cứ quân sự vừa chiếm được ở cách trung tâm Tripôli 16 km ngày 22/8. Ảnh: AFP-TTXVN


Chiến sự đã diễn ra ác liệt giữa lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi và quân nổi dậy trong ngày 22/8 trong bối cảnh lực lượng đối lập đánh chiếm Tripôli. Theo các hãng tin nước ngoài, quân đội chính phủ Libi đã huy động xe tăng để chặn vòng vây đang khép chặt của lực lượng nổi dậy. Nhiều nguồn tin cho biết lực lượng trung thành với ông Kadhafi hiện chỉ còn nắm quyền kiểm soát 15 - 20% thủ đô. Hãng tin Reuters dẫn lời một thủ lĩnh phe đối lập, ông Abdulrahman, cho biết quân chính phủ đã điều xe tăng án ngữ trên phố Al Sarine và một số địa điểm gần tổng hành dinh của ông Kadhafi ở khu vực Bab Al-Aziziyah nhằm ngăn không cho phe đối lập tiến sâu hơn vào cứ địa cuối cùng của ông Kadhafi.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al Arabiya ngày 22/8 dẫn các nguồn tin khác cũng từ phe đối lập nói rằng, một trong các con trai của ông Kadhafi là Khamis đã dẫn đầu một cánh quân mở vòng thoát hiểm từ khu tổ hợp Bab Al-Aziziyah hướng tới trung tâm Tripôli.

Các nguồn tin tại chỗ xác nhận, tình hình tại Tripôli hiện rất bất ổn với tiếng súng máy và vũ khí hạng nặng vang lên khắp nơi. Nhiều cuộc tấn công của phe đối lập đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các “ổ chiến đấu” trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi.

Trước đó cùng ngày, giao tranh dữ dội đã xảy ra gần tổng hành dinh của nhà lãnh đạo Kadhafi sau khi lực lượng đối lập tại nước này tuyên bố kiểm soát phần lớn thủ đô, gồm cả Quảng trường Xanh, địa điểm mang tính biểu tượng và là nơi tập trung nhiều trụ sở cơ quan đầu não của chính phủ. Giao tranh bằng vũ khí hạng nặng và súng trường tự động cũng đã xảy ra ở khu vực phía nam thủ đô. Quân nổi dậy cũng đã bắt giữ con trai cả và con trai thứ của ông Kadhafi là Saadi Kadhafi và Seif al-Islam.

Theo thống kê, chỉ trong vòng 24 giờ đã có 1.300 người thiệt mạng và 5.000 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của lực lượng đối lập.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Liên quan tới số phận của nhà lãnh đạo Kadhafi, ngày 22/8, Nam Phi đã bác bỏ những thông tin nói rằng nước này điều máy bay tới Libi để giúp gia đình ông Kadhafi rời khỏi đất nước. Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane cho biết, ông Kadhafi không xin tị nạn ở Nam Phi. Tuy nhiên, vào thời điểm này, chính phủ Nam Phi chưa sẵn sàng công nhận chính quyền của lực lượng nổi dậy ở Libi.

Trước tình hình tại Libi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày ra tuyên bố nhấn mạnh Bắc Kinh “tôn trọng sự lựa chọn của người dân Libi, hy vọng Libi sớm khôi phục ổn định và đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường”. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Mã Triều Húc, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm giữ vai trò tích cực trong tiến trình tái thiết tương lai cho Libi.

Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez cùng ngày lên án phương Tây “tàn phá thủ đô Tripôli”.

Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục lên tiếng ủng hộ lực lượng nổi dậy tại Libi. Ông Michael Mann, người phát ngôn cho đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Catherine Ashton, cho biết EU đang lên kế hoạch thành lập chính phủ mới ở Libi thời hậu Kadhafi. Theo ông này, EU đã hối thúc phe đối lập ở Libi hành động có trách nhiệm, bảo vệ dân thường và kêu gọi ông Kadhafi từ chức ngay lập tức.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe kêu gọi các lực lượng trung thành với ông Kadhafi hạ vũ khí đầu hàng, đồng thời cho biết Pháp sẽ chủ trì cuộc họp của nhóm tiếp xúc quốc tế về Libi vào tuần tới để thảo luận lộ trình cho tương lai của Libi.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chế độ “bàn tay sắt” của nhà lãnh đạo Libi đã tới hồi cáo chung và ông Kadhafi cần từ bỏ quyền lực để tránh đổ máu thêm. Ông Obama kêu gọi lực lượng đối lập ở Libi dẫn dắt đất nước qua giai đoạn chuyển tiếp bằng cách tôn trọng quyền của người dân, hạn chế thương vong, bảo vệ các thể chế nhà nước, hướng tới một nền dân chủ công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Kadhafi từ chức và yêu cầu đưa ông ra trước tòa án quốc tế.

Tương lai chưa rõ ràng cho Libi thời hậu Kadhafi

Tình hình chiến sự tại Tripôli đang rất quyết liệt. Câu hỏi lớn hiện nay không phải là liệu chế độ của nhà lãnh đạo Kadhafi có thể sống sót mà là liệu lực lượng nổi dậy có ngăn được Libi rơi vào hỗn loạn sau khi ông Kadhafi ra đi.

Giả sử chế độ Kadhafi sụp đổ, phe nổi dậy sẽ phải nhanh chóng lấp khoảng trống quyền lực. Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) - lực lượng nổi dậy chủ đạo - đóng trụ sở tại Benghazi ở miền đông Libi, bao gồm các cựu bộ trưởng “đào tẩu” khỏi chính quyền Kadhafi, những nhân vật đối lập lâu năm đại diện cho một loạt quan điểm chính trị, trong đó có người theo chủ nghĩa dân tộc Arập, Hồi giáo... và thương gia. Trong khi đó, quân nổi dậy không phải là một lực lượng hùng hậu vững chắc, mà là một lực lượng chắp vá gồm các nhóm vũ trang, cựu binh sĩ và những dân quân tự do.

Thách thức mà lực lượng nổi dậy phải đối mặt sẽ rất lớn, trong bối cảnh nền kinh tế Libi rối loạn, truyền thông bị gián đoạn, các ngành dịch vụ công cộng bị tàn phá và các nhóm có vũ trang tự do tung hoành. Trong khi đó, bảng thành tích “cầm quyền” của NTC đến nay hết sức nghèo nàn. Bị chia rẽ bởi chủ nghĩa bè cánh, NTC chật vật trong việc đảm bảo an ninh cho những vùng mà họ kiểm soát. Theo các nhà phân tích chuyên nghiên cứu về phe đối lập, một số nhóm nổi dậy ở những vùng khác của đất nước không muốn hợp tác với NTC. Do vậy, liệu sự chia rẽ này có bùng phát khi lực lượng nổi dậy chiếm quyền kiểm soát đất nước? Oliver Miles, cựu đại sứ Anh tại Libi, nhận định tiến trình chuyển giao chính trị “có thể sẽ rất hỗn loạn”.

Theo các nhà phân tích, để giành chiến thắng nhanh gọn ở Tripôli, phe nổi dậy cần phải cải thiện bầu không khí chính trị chính trong nội bộ của mình, quy tụ những nhân vật “lão làng” đến từ khắp mọi miền Libi và đang sống lưu vong ở nước ngoài, những người chiếm các vị trí, nghề nghiệp được kính trọng trong xã hội... Nhiệm vụ của họ sẽ là tránh để xảy ra khoảng trống quyền lực và kêu gọi sự ủng hộ của mọi người dân Libi.

Về vấn đề ai có thể đoàn kết người dân Libi một khi ông Kadhafi ra đi, Kamran Bokhari, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông của Cơ quan tình báo toàn cầu Stratfor, cho rằng vấn đề là tại Libi không có vị thủ lĩnh nào của lực lượng nổi dậy được mọi người tôn trọng. Ông nói: “Điều hành một đất nước sẽ là việc khó khăn hơn nhiều đối với quân nổi dậy và tìm ra một người được mọi người chấp nhận sẽ là một thách thức”.


Tác động của chiến sự Libi tới TTCK và dầu mỏ thế giới

Những diễn biến mới nhất từ Libi cho thấy lực lượng nổi dậy đánh chiếm thủ đô Tripôli đã tác động mạnh đến các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới ngày 22/8, khiến các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Mỹ và châu Âu đồng loạt quay đầu tăng điểm, sau những phiên giảm mạnh trong tuần trước.

Tại thị trường New York lúc lúc 22 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 22/8, các chỉ số Dow Jones tăng 0,6%, S&P 500 tăng 0,42% và Nasdaq tăng 0,36%. Trước đó, những chỉ số này tăng khá mạnh lúc mở cửa phiên, với Dow Jones tăng 1,66%, S&P 500 tăng 1,62% và Nasdaq tăng 1,88%.

Cùng thời điểm trên tại thị trường châu Âu, các chỉ số Euro Stoxx (gồm 500 cổ phiếu hàng đầu châu Âu) tăng 1,38%; FTSE 100 của Anh tăng 1,01%; CAC của pháp tăng 1,37% và Dax của Đức tăng 0,26%; sau các mức tăng mạnh trước đó lần lượt là 2,74%; 2,32%; 2,63% và 1,59%.

Trong khi đó, trên thị trường dầu mỏ thế giới, giá dầu Brent Biển Bắc cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình chiến sự tại Libi. Lúc 22 giờ 30 (giờ Việt Nam), giá Brent Biển Bắc giảm 1,71% xuống 107,66 USD/thùng. Chiều cùng ngày, tại Sàn giao dịch điện tử Xinhgapo, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10/2011 giảm 2,74 USD xuống 105,88 USD/thùng.

Theo nhận định của giới phân tích, giá dầu giảm là do các nhà đầu tư dự đoán việc lực lượng nổi dậy ở Libi đánh chiếm thủ đô Tripôli sẽ làm thay đổi cục diện chính trị tại Libi và dầu mỏ của Libi sẽ tái xuất khẩu ra thị trường thế giới. Victor Shum, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz, có trụ sở tại Xinhgapo, nhận định thông tin cho biết tình hình chiến sự tại Libi có thể sắp đến “hồi kết” là nhân tố gây sức ép lên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là đối với dầu Brent.

Libi là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi, phần lớn là dầu thô chất lượng cao. Trước khi nổ ra cuộc chiến, Libi - quốc gia thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - sản xuất khoảng 1,6 triệu thùng dầu/ngày, trong đó 85% sản lượng được xuất sang thị trường châu Âu.

Lê Hải

Dương Hạnh