07:08 14/07/2018

Quản lý thực phẩm sạch: Vẫn băn khoăn con lợn, mớ rau đến từ đâu

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường hậu kiểm, xử lý những doanh nghiệp bán "thực phẩm an toàn" không đúng như tiêu chuẩn, nhãn hiệu công bố.

Là một bà nội trợ luôn tìm kiếm các loại thực phẩm an toàn cho gia đình, bà Kim Xuyến ở khu tập thể Nam Thành Công (Hà Nội) thường mua thịt, cá, rau xanh tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, có giấy phép chứng nhận xuất xứ. Sau những thông tin về thực phẩm bẩn, bà Xuyến không còn mua thực phẩm tại các chợ dân sinh nữa. Tuy nhiên, quá nhiều thương hiệu thực phẩm an toàn cũng khiến bà Xuyến lăn tăn. 

"Giá thực phẩm tại đó đều đắt hơn mua ở chợ 20 - 30% nhưng tôi vẫn bấm bụng mua cho yên tâm. Tuy nhiên cũng không thể khẳng định mức độ an toàn đến đâu vì người tiêu dùng chúng tôi chỉ biết căn cứ qua các loại giấy chứng nhận của cửa hàng", bà Xuyến cho hay.

Người dân tại Khu Công nghiệp Tân Bình đến mua hàng tại cửa hàng thực phẩm an toàn Co.op Food Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Thực tế 1 năm qua, sau khi chiến dịch tuyên chiến với thực phẩm bẩn được đẩy mạnh, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã tranh thủ cơ hội để phát triển các chuỗi, thương hiệu thực phẩm an toàn để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm của nước ta tăng dần hàng năm về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước có 8.539 chợ (tăng 26 chợ so với 2016), 957 siêu thị (tăng 88 siêu thị tương đương hơn 10% so với 2016), 189 trung tâm thương mại (tăng 21 Trung tâm thương mại) và khoảng 2 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của hộ gia đình. Ngoài ra còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn.

Báo cáo thống kê cho thấy, đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 7-Eleven của Nhật lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Saigon Co.op đã có hơn 500 điểm bán trên cả nước gồm 94 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 3 trung tâm thương mại Sense City, hơn 200 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, gần 80 cửa hàng Co.op Smile, hơn 170 cửa hàng Co.op, cửa hàng Bến Thành, chợ ẩm thực hiện đại Sense Market.

Central Group cũng đã có khoảng 43 siêu thị, cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm. Với Vinmart+, hệ thống này đã có 1.000 cửa hàng năm 2016, khoảng 2.500 cửa hàng tính đến cuối năm 2017. Mục tiêu tăng trưởng đến năm 2020 của hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ là 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng. 

"Trong năm 2018, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, bảo đảm an toàn của các vùng miền, Bộ Công Thương đã tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn", bà Nga cho hay.

Đó là những kết quả rất đáng ghi nhận trong chiến dịch mang thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, người tiêu dùng tại các thành phố đôi lúc cũng băn khoăn khi lạc giữa "ma trận" thực phẩm an toàn. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng thư kí Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Nhiều cửa hàng trưng biển rau an toàn nhưng không ai thẩm định. Có những người mua phải hàng kém chất lượng nhưng cũng tặc lưỡi cho qua.

"Không thể thủ tiêu đấu tranh, cần tố cáo những DN làm ăn không chân chính, không tạo mảnh đất cho hàng kém chất lượng tồn tại. Để làm được điều đó, người tiêu dùng cần có thông tin, hàng hóa truy xuất được nguồn gốc. EU yêu cầu 28 nước thành viên có truy xuất nguồn gốc tất cả sản phẩm. Nhật cũng yêu cầu truy xuất với gạo và thịt. Việt Nam cũng đã có quy định nhưng chưa đầy đủ, đây là kênh rất quan trọng để người tiêu dùng biết con lợn, mớ rau từ đâu đến", ông Hùng đề nghị. 

Vải thiều Thanh Hà được bày bán tại hệ thống siêu thị của Hapro. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Còn theo bà Lê Việt Nga, sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi sẽ giúp truy xuất, kiểm soát được mọi khâu từ sản xuất đến lưu thông, phân phối. Trong quá trình vận chuyển, hàng hóa cũng được kiểm soát độ an toàn, không để trà trộn thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn. 

"Để chọn được thương hiệu thực phẩm an toàn, người tiêu dùng cần chọn những DN đạt chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước như ISO 2000, VietGAP, GlobalGAP. Những DN có giấy đó thì người tiêu dùng có thể yên tâm. Kinh nghiệm là mua tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi vì có người kiểm soát giúp. Còn mua qua mạng hay mua qua các tổ chức khác thì chủ yếu mua bằng niềm tin. Ngay thực phẩm hữu cơ cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu an toàn như vi sinh vật... không hẳn là hoàn toàn an toàn", bà Nga khuyến cáo người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết hiện nay xuất hiện nhiều chuỗi thực phẩm an toàn nhưng kiểm soát như thế nào thì còn có vấn đề. Công tác hậu kiểm rất quan trọng. Hiện nay DN được tự công bố chất lượng sản phẩm của mình nhưng cơ quan chức năng phải hậu kiểm, nếu không đúng thì xử phạt. 

Khi DN được cấp giấy chứng nhận thì vẫn phải giám sát. Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm đã có kế hoạch hậu kiểm từ nay đến hết năm 2018. Tại Bộ Công Thương có 3 đơn vị sẽ tham gia đoàn hậu kiểm gồm Vụ Khoa học - Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường. Các đơn vị này sẽ đi lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Chúng tôi sẽ tập trung vào 15 tỉnh thành, trong đó có 2 địa bàn lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra cấp địa phương cũng tự xây dựng kế hoạch kiểm tra. 

"Tuy nhiên hiện nay có vấn đề đang "tắc" ở cả 3 Bộ Công Thương, Y tế và Nông nghiệp là chế tài xử lý hành vi vi phạm hành chính khi cho DN tự công bố chất lượng sản phẩm lại chưa có, đang chờ nghị định sửa đổi", ông Hoàn cho biết.

SaveSave
Hoàng Dương/Báo Tin tức