05:09 16/05/2014

Quản lý rác thải y tế - trách nhiệm lớn từ phía bệnh viện

Thực trạng đáng lo ngại về tình trạng tái chế nhựa từ rác thải y tế của các làng nghề khiến người dân không khỏi lo lắng. Khó có thể biết được có bao nhiêu hộp xốp đựng cơm, thìa nhựa, ống hút, hộp đựng sữa chua, túi ni lông đựng thức ăn...

Thực trạng đáng lo ngại về tình trạng tái chế nhựa từ rác thải y tế của các làng nghề khiến người dân không khỏi lo lắng. Khó có thể biết được có bao nhiêu hộp xốp đựng cơm, thìa nhựa, ống hút, hộp đựng sữa chua, túi ni lông đựng thức ăn... được sản xuất từ thứ nguyên liệu này, bán ra thị trường cho người tiêu dùng. Tại sao Bộ Y tế đã có quy chế quản lý chất thải y tế, nhưng loại rác thải độc hại này vẫn được tuồn về các làng nghề để tái chế nhựa? Đã đến lúc ngành y tế cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này, bảo đảm cho sức khỏe người dân.

Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, lượng rác thải rắn y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội trong năm 2013 là khoảng gần 3 triệu kg chất thải thông thường và 548.320 kg chất thải y tế nguy hại.

Để xử lý lượng rác thải y tế trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng một lò đốt rác thải y tế công suất 35 tấn/ngày. Thế nhưng, hiện nay lò đốt này mới sử dụng hết 1/7 công suất, tức tiêu hủy từ 5 - 6 tấn rác thải y tế/ngày.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10 (URENCO 10) - Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Bùi Trí Bình cho biết: Từ năm 1998, Công ty đã ký kết với các bệnh viện như Việt - Đức, Bạch Mai... để thu gom, xử lý rác thải y tế bằng hình thức đốt. Đến nay, Công ty đã ký được với trên 70 bệnh viện, trung tâm y tế để hàng ngày đến thu gom đem đi tiêu hủy.

URENCO 10 thường xuyên cử người đi kiểm tra, giám sát việc thu gom rác thải tại các bệnh viện. Các bệnh viện cũng có một kho tập kết rác thải nguy hại trước khi bàn giao cho Công ty, quy trình thu gom rác hoàn toàn do phía bệnh viện đảm nhiệm. Rác thải y tế sau khi được cho vào túi nilông 5 kg, buộc lại cho vào thùng 240 lít, đưa thẳng vào lò đốt.

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc nhân viên bệnh viện có lấy rác thải y tế ra ngoài thì cũng khó có thể kiểm soát hết được. Các loại rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chắc chắn sẽ là nguồn lây lan dịch bệnh ra môi trường. Đáng lo ngại hơn, theo quy định, toàn bộ chất thải y tế độc hại sau khi được thu gom tại các khoa phòng về, khoa chống nhiễm khuẩn sẽ phải phun dung dịch khử khuẩn vào rác thải y tế trước khi xếp vào thùng. Nếu nhân viên bệnh viện “lấy tắt” không qua công đoạn này thì sẽ càng nguy hiểm hơn, không thể phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, truyền nhiễm.

Mới đây, đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội về việc thực hiện các quy định pháp luật về đảm bảo môi trường, xử lý chất thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố giai đoạn 2009-2013; nhấn mạnh việc thực hiện quy trình thu gom, phân loại rác thải phải tuân thủ đúng quy định. Thế nhưng trên thực tế, các bệnh viện cũng chưa thể kiểm soát được vấn đề này.

Để giải quyết tình trạng tuồn rác thải bệnh viện ra ngoài, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết: Sở Y tế Hà Nội đã có công văn gửi Giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng y tế, trung tâm chuyên khoa, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân yêu cầu cập nhật, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý chất thải; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải; rà soát, bổ sung các quy định, quy trình quản lý chất thải y tế tại đơn vị đúng theo quy định hiện hành; phân công rõ cán bộ chịu trách nghiệm quản lý trong từng khâu đoạn, khu vực lưu giữ và vận chuyển chất thải tại đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải y tế tại đơn vị, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đảm bảo chất thải rắn y tế đặc biệt các chất thải có khả năng tái chế của đơn vị được quản lý đúng quy định; không để xảy ra trường hợp các cá nhân trộm cắp chất thải y tế nguy hại (dây truyền, bơm tiêm, ống thở, vỏ chai dịch...) của đơn vị bán ra ngoài gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và ô nhiễm môi trường.

Sở Y tế Hà Nội y êu cầu thủ trưởng các đơn vị tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý chất thải y tế. Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức thanh kiểm tra, nếu đơn vị nào để xảy ra vi phạm thì thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.


Tuyết Mai