06:09 21/06/2011

Quản lý mũ bảo hiểm kém chất lượng: Cần có sự thống nhất giữa các ban, ngành

Theo các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) tại TP.HCM, có tới 70% MBH được sử dụng khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe mô tô là loại MBH kém chất lượng, hoàn toàn không có tính năng bảo vệ khi tai nạn xảy ra.

Theo các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) tại TP.HCM, có tới 70% MBH được sử dụng khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe mô tô là loại MBH kém chất lượng, hoàn toàn không có tính năng bảo vệ khi tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng loại mặt hàng này đang bị các cơ quan chức năng bỏ ngỏ.

Tràn lan MBH kém chất lượng

Trên thực tế, các loại MBH giả, kém chất lượng đang mặc sức tung hoành do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng.

Người tiêu dùng nên chọn MBH có chứng nhận hợp quy để bảo vệ chính mình.


Khi chạy xe trên đường mà chưa có MBH, người chạy xe máy liền tấp vào lề đường, chỉ 30.000 đồng - 50.000 đồng là người tham gia giao thông có thể sử hữu được một MBH. Do nắm được thị hiếu ham rẻ của người chạy xe máy nên nhiều cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng tha hồ đưa ra thị trường các loại MBH giá rẻ, mẫu mã, màu sắc đẹp, còn chất lượng thì không hề được quan tâm.

Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức trên các tuyến đường thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh như: Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương và trước cổng một vài bệnh viện lớn... , tình trạng buôn bán MBH kém chất lượng ngày càng công khai và tấp nập. Các loại MBH kém chất lượng này được bày bán với đủ các chủng loại, hình dáng, màu sắc với giá chỉ từ 25.000 đồng/mũ.

Theo như những người bán loại mặt hàng này, tất cả loại MBH trên đều được lấy ở chợ Bình Tây (quận 6). Theo lời người bán hàng, chúng tôi đến chợ Bình Tây hỏi mua số lượng lớn mặt hàng này. Tại khu vực chuyên buôn bán MBH, các chủ cửa hàng đang vội vã đóng hàng đi các nơi. Người bán hàng giới thiệu với chúng tôi một vài loại MBH đang thịnh hành và bán rất chạy trên thị trường. Các loại MBH này có giá từ 20.000 - 50.000 đồng/mũ. Tuy nhiên, chất lượng của mũ rất kém, phần vỏ nhựa ngoài mỏng và giòn, chủ yếu được làm bằng nhựa phế liệu, lớp xốp bên trong yếu, quai đeo mỏng, nón có trọng lượng nhẹ; thế nhưng đa phần các mũ đều có tem kiểm định chất lượng hợp quy CR để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn có một vài loại MBH thuộc diện “3 không”: Không cơ sở sản xuất, không tem CR, không có chức năng bảo vệ khi tai nạn giao thông xảy ra. Ngoài ra, thị trường MBH TP Hồ Chí Minh đang nở rộ các loại MBH kém chất lượng núp dưới danh nghĩa nón thể thao, nón thời trang dành cho người đi bộ, đi xe đạp... Các MBH dạng này đang tràn ngập thị trường, nhất là tại các cửa hàng chuyên bán đồ thể thao, thời trang.

Chị Nguyễn Thị Yến, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: “Mấy lần tôi gửi xe ở các khu vực gửi xe công cộng đều bị lấy trộm MBH nên tôi rút kinh nghiệm, chỉ mua MBH rẻ tiền, có mất cũng không tiếc. Hơn nữa, đội MBH “xịn” hay MBH kém chất lượng thì cũng có ai kiểm tra đâu. Mình đi xe cẩn thận chắc không sao”.

Hiểm họa từ MBH kém chất lượng

Theo Chi cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 6 đến nay, đội Quản lý thị trường 3A và Bình Tân đã kiểm tra 3 điểm sản xuất, gia công mũ bảo hiểm, tạm giữ 2.883 chiếc mũ thành phẩm và gáo mũ bảo hiểm các loại. Cụ thể, tại cơ sở gia công MBH ở nhà 32/25 đường số 5, KP3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân do ông Nguyễn Văn Dũng làm chủ, đoàn kiểm tra thu giữ 84 mũ cách điệu thành phẩm, 185 mũ cách điệu bán thành phẩm và 710 gáo mũ. Chủ nhà không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ liên quan nào. Còn tại số 299/30A đường Lê Quang Sung, phường 6, quận 6, phát hiện 430 MBH của Công ty TNHH Long Huê không dán tem CR. Đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu MBH gồm 181,108, Hally của Công ty TNHH Long Huê đi kiểm định. Ông Lý Ngọc Thắng - Đội trưởng đội QLTT 3A cho biết: Hiện tại chưa có một quy định rõ ràng về việc sản xuất, buôn bán mũ thể thao, mũ cách điệu cũng như chưa có sự đồng nhất từ các ban, ngành nên việc quản lý chất lượng MBH rất khó khăn.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca chấn thương sọ não do TNGT mà có đội MBH tăng 60%, phần lớn do các loại mũ kém chất lượng, mũ cách điệu dưới dạng mũ thể thao, mũ cho người đi bộ... gây ra.

Để hạn chế chấn thương cho đầu khi gặp sự cố tai nạn, nhiều chuyên gia y tế cho rằng người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng mà QCVN 2:2008 đề ra. Nếu MBH không đạt chất lượng thì việc đội mũ bảo hiểm chỉ là hình thức mà không hạn chế được các chấn thương khi xảy ra tai nạn.

Thực tế cho thấy, để đạt những chỉ tiêu mà QCVN 2: 2008 đề ra, các công ty sản xuất MBH chân chính phải đầu tư rất lớn từ thiết kế sản phẩm, công nghệ sản xuất, nguyên vật liệu, thiết bị kiểm nghiệm... Trong khi những người làm hàng giả chỉ cần vài triệu đồng là đã có thể sản xuất hàng trăm chiếc mũ để bán ra thị trường. Nếu không chặn đứng kịp thời, đây sẽ là nguy cơ chính khiến người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt và một chủ trương đúng đắn chỉ còn mang tính hình thức.

Ông Nguyễn Văn Lập, Đại diện Công ty Chí Thành V.N, một đơn vị sản xuất MBH cho biết: “Các doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính đã đầu tư không ít tiền của, chất xám vào việc tìm ra công nghệ sản xuất MBH. Thế nhưng tình hình thị trường hiện nay, đã vượt ngoài tầm giải quyết của chúng tôi. Chúng tôi không thể làm thay công việc của cảnh sát giao thông trong việc xử phạt người đi xe gắn máy đội MBH không đạt chất lượng. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân thực sự là thực tế gần như không có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để cùng giải quyết các trường hợp vi phạm như thời gian đầu quyết định mới có hiệu lực. Nếu cần chúng tôi sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng văn bản pháp quy nhằm giải quyết những khó khăn đang gặp phải”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải nhanh chóng có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng người tham gia giao thông sử dụng các loại mũ không phải MBH, để đối phó với cảnh sát giao thông. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và cứng rắn đối với các doanh nghiệp đang lách luật sản xuất ra các loại mũ này.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh MBH nhái, MBH không đạt chất lượng; rà soát, nắm tình hình việc bày bán các loại mũ nhái, để kịp thời có giải pháp xử lý.

>>Ý KIẾN:

Chị Nguyễn Thu Hiền, quận Gò Vấp: Người tham gia giao thông phải có ý thức bảo vệ tính mạng

Tôi cho rằng việc MBH kém chất lượng, giá rẻ được bày bán tràn lan trên các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh như hiện nay là do nhiều người tham gia giao thông còn chưa có ý thức về việc bảo vệ tính mạng cho chính mình. Để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, chính người tham gia giao thông phải ý thức về việc đội MBH, đội MBH có chất lượng tốt là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình.

Tiến sỹ Nguyễn Mộng Hùng, Hội bảo vệ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh: Người tiêu dùng nên “tẩy chay” mặt hàng kém chất lượng

Các cơ quan chức năng phải có biện pháp hữu hiệu hơn, tăng cường thanh tra kiểm tra và xử phạt nghiêm minh. Để xử lý tận gốc tình trạng này, các cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra những khu vực bán MBH kém chất lượng để truy tìm nguồn gốc và xử lý triệt để. Thực tế những cửa hàng lớn có uy tín hầu như không bán các loại MBH kém chất lượng. Bên cạnh đó, MBH kém chất lượng ngày càng lộng hành là do người tiêu dùng ham giá rẻ, xem thường tính mạng của mình. Do đó, người tiêu dùng nên tự ý thức, nêu cao trách nhiệm của mình trong việc “tẩy chay” những mặt hàng kém chất lượng. Đồng thời việc này cũng giúp các cơ quan chức năng ngăn chặn việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Hoàng Lâm, Phó Giám Đốc Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3): Cần có biện pháp xử phạt thật nghiêm

Thực chất trách nhiệm của Quatest 3 chỉ là giám sát, vì vậy khi sản phẩm đem qua bên trung tâm kiểm tra thì có thể xử lý ngay hàng gian, hàng giả, nhưng hàng gian, hàng giả bày bán ngoài đường thì trung tâm không có quyền xử lý. Hiện nay, có bốn năm đơn vị cùng kiểm tra và cấp giấy chất lượng hợp quy, do đó rất khó kiểm soát, mặt khác có rất nhiều đầu mối sản xuất MBH nên không thể kiểm soát hết. Do phải cạnh tranh về giá, các DN chân chính đôi khi buộc phải sản xuất làm các loại MBH kém chất lượng. Thực tế, trước kia một số doanh nghiệp không làm MBH kém chất lượng nhưng nay lại gia nhập “đội quân” MBH kém chất lượng do môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, người làm hàng gian, hàng giả, kém chất lượng thì phải bị xử lý thật nghiêm.


Đan Phương - Hoàng Tuyết thực hiện