06:14 12/06/2016

Quản lý, giúp đỡ bệnh nhân điều trị bằng thuốc

Nhìn chung các tỉnh vùng Tây Bắc khó khăn hơn về nguồn lực so với các địa phương khác, nhưng một số địa phương đã đạt được những kết quả còn tốt hơn một số tỉnh đồng bằng thuận lợi.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Mỗi năm có khoảng 3.000 người nhiễm HIV/AIDS


Toàn vùng Tây Bắc có trên 63.500 người nhiễm HIV, trong đó, trên 39.000 người nhiễm HIV còn sống, trên 1.600 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS còn sống và trên 21.000 người đã tử vong do AIDS. Trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 người nhiễm mới và 500 - 800 người tử vong do AIDS. Nhiều huyện có trên 200 người nhiễm HIV. Trong khi đó, hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Đối với vùng Tây Bắc, chúng ta nhìn thấy rất rõ mối quan hệ mật thiết giữa HIV/AIDS với ma túy, với đói nghèo, với trình độ dân trí thấp.


Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế: Còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm


Nhìn chung các tỉnh vùng Tây Bắc khó khăn hơn về nguồn lực so với các địa phương khác, nhưng một số địa phương đã đạt được những kết quả còn tốt hơn một số tỉnh đồng bằng thuận lợi. Đặc biệt như triển khai Methadone tại Lai Châu, xét nghiệm HIV tại Điện Biên hay điều trị ARV tại Nghệ An, Sơn La.

Nhưng bên cạnh những tỉnh đã rất nỗ lực cố gắng vẫn còn một số địa phương vùng Tây Bắc chưa thực sự quan tâm chỉ đạo cũng như chưa nỗ lực triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS; còn phụ thuộc, trông chờ vào dự án trung ương hay quốc tế hỗ trợ. Chưa quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện, vai trò người đứng đầu chưa thể hiện rõ. Điều này cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

Vùng Tây Bắc là vùng đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch HIV. Trong báo cáo đã chỉ ra rằng: Với dân số chỉ chiếm hơn 15% cả nước nhưng số người nhiễm HIV hiện còn sống cũng như số người đã tử vong do AIDS chiếm khoảng ¼ trong cả nước. Nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đang có tỷ lệ nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Trong khi các nguy cơ lây nhiễm HIV vùng này lại rất phức tạp, trình độ dân trí hạn chế, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV cũng còn rất hạn chế. Do vậy, nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt thì rất khó kiểm soát được dịch HIV vùng Tây Bắc và ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả nước.


Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: Thiếu hụt kinh phí thực hiện chương trình


Trên địa bàn Phú Thọ tuy dịch HIV/AIDS đã được quản lý, kiềm chế sự gia tăng ở mức độ thấp, nhưng nó vẫn lây lan trên địa bàn với xu hướng gia tăng sự lây nhiễm HIV tại vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc, lây nhiễm qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV trong nhóm vốn được coi là ít có nguy cơ như nhóm phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên, học sinh sinh viên… Vì vậy, mặc dù Phú Thọ đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

Kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS chưa đủ. Vì vậy, việc tổ chức triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS toàn diện còn thiếu, chưa mở rộng độ bao phủ với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… làm hạn chế khả năng tiếp cận của khách hàng như các dịch vụ phân phát bao cao su, methadone… Chế độ phụ cấp cho cán bộ thực hiện chương trình, đặc biệt là tuyến cơ sở thấp hoặc không được chi trả. Từ năm 2013 nguồn viện trợ từ các dự án quốc tế bị cắt giảm mạnh do các lý do khác nhau và dự kiến từ năm 2016, các tổ chức Quốc tế sẽ chỉ tài trợ thuốc điều trị nhiễm HIV/AIDS (ARV) và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, từ năm 2018 sẽ không tài trợ cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.


Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Giải pháp đảm bảo nguồn thuốc ARV


Trong thời gian qua, 70% kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và 95% thuốc ARV là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Do vậy, khi nguồn viện trợ cắt giảm thì chắc chắn công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung và đặc biệt là việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó việc đảm bảo đủ thuốc ARV để tiếp tục điều trị cho người bệnh là vấn đề khó khăn hàng đầu. Trong khi kinh phí bị cắt giảm, những năm tới nhu cầu thuốc ARV lại tiếp tục tăng cao bởi số lượng bệnh nhân cần được điều trị ARV tiếp tục gia tăng. Ước tính, đến năm 2020, cần phải điều trị cho khoảng 200.000 bệnh nhân.

Khi thiếu thuốc ARV, người bệnh không được điều trị hoặc điều trị không liên tục sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể là người nhiễm HIV sẽ sớm chuyển sang AIDS và dẫn đến tử vong; tỷ lệ HIV kháng thuốc sẽ tăng cao, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị (điều trị HIV kháng thuốc đắt gấp 8-10 lần so với HIV chưa kháng thuốc). Bên cạnh đó, khi không được điều trị, nồng độ HIV trong máu người nhiễm sẽ tăng cao, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác, dẫn đến dịch HIV/AIDS lan rộng trong cộng đồng.


Ông Tòng Văn Sử, Bệnh viện đa khoa huyện Mường La (Sơn La):Bệnh nhân được điều trị ARV có tiến triển tốt



Phòng khám ngoại trú điều trị ARV của Bệnh viên đa khoa Mường La hiện đang điều trị cho 385 bệnh nhân, trong đó có 10 trẻ em. Sức khỏe của các bệnh nhân sau khi được điều trị đều tiến triển tốt, sinh hoạt bình thường. Một số bệnh nhân đã có tải lượng CD4 tăng lên. Số trẻ em nhiễm HIV điều trị tại phòng khám cũng phát triển bình thường về cân nặng và trí tuệ. Tại phòng khám, tỷ lệ bỏ điều trị rất thấp, chủ yếu là những người phải vào trại cai nghiện.


Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Mở rộng biện pháp can thiệp dự phòng


Mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững, dịch HIV/AIDS ở tỉnh vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục triển khai và mở rộng những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Do mức độ tiếp cận của chương trình vẫn còn mức hạn chế, độ bao phủ về xét nghiệm HIV còn ít, người dân ở xa khó tiếp cận dịch vụ y tế liên quan đến HIV, do đó khả năng người nhiễm HIV chưa được xét nghiệm HIV và không biết tình trạng nhiễm HIV vẫn còn đáng kể. Bên cạnh đó do việc đầu tư không đồng bộ nên việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các dịch vụ phòng chống AIDS không được đồng đều giữa các huyện, nhất là chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, chương trình sàng lọc HIV.

Nguyên nhân là do đối tượng nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là nghiện ma tuý do vậy gây khó khăn cho công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn. Tệ nạn ma túy ở tỉnh Bắc Kạn vẫn phát triển với nhiều hình thức với quy mô phức tạp, khó kiểm soát. Các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao khó tiếp cậ

PV