11:07 12/11/2017

Quản lý dân cư ứng dụng công nghệ thông tin - Bài 3: Thí điểm hiệu quả tại Hải Phòng

Nhằm rút kinh nghiệm từ thực tiễn và tạo tiền đề để xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc, Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan chức năng triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" tại thành phố Hải Phòng. Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án tại Hải Phòng đã đạt hiệu quả và nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính

Bộ Công an đã lựa chọn thành phố Hải Phòng làm điểm từ tháng 6/2013 dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" sử dụng tín dụng vốn ưu đãi chính phủ Hungary. Dự án này nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 90/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc triển khai dự án chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án đã thí điểm thu thập thông tin dân cư tại xã Tân Tiến, huyện An Dương và phường Đa Phúc, quận Dương Kinh để rút kinh nghiệm; giai đoạn 2 triển khai mở rộng dự án trên địa bàn toàn thành phố Hải Phòng.

Quản lý dân cư ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch, đi lại Ảnh minh họa: Ninh Đức Phương/TTXVN

Theo số kiệu thống kê đến năm 2016, sau hơn 3 năm thực hiện tổ chức, dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" tại thành phố Hải Phòng đã đạt hiệu quả và đáp ứng tiến độ đề ra. Thông qua việc triển khai dự án đã hoàn thành việc thu thập, nhập dữ liệu và tổ chức cấp số định danh cá nhân cho gần 2 triệu công dân thành phố Hải Phòng.

Việc khai thác dữ liệu dân cư trong hệ thống đã góp phần phục vụ ngành Công an và ngành Tư pháp thành phố Hải Phòng hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân, đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch, đi lại. Thông qua hệ thống quản lý dân cư thành phố, cơ quan Công an đã tiến hành giải quyết đăng ký thường trú cho hơn 70.000 trường hợp, giải quyết đăng ký tạm trú cho hàng ngàn trường hợp. Công an thành phố cũng đã triển khai thông tin dân cư phục vụ việc cấp căn cước công dân cho gần 90.000 trường hợp.

Công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố Hải Phòng đã được cài đặt, ứng dụng phần mềm đăng ký, quản lý cư trú. Một số đơn vị ứng dụng phần mềm có hiệu quả cao như Công an quận Ngô Quyền, Hải An, Kinh Dương... Việc ứng dụng phần mềm, điện tử hóa quy trình đăng ký đã hạn chế tình trạng công dân phải kê khai thông tin nhiều lần, rút ngắn thời gian giải quyết, công khai, minh bạch quá trình và kết quả giải quyết hồ sơ. Đồng thời thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu dân cư cũng tạo thuận lợi cho cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ quản lý cư trú.

Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cho biết Hải Phòng là thành phố có mật độ dân cư đông, đồng thời thu hút lượng lớn lao động đến làm việc. Trong đó, một bộ phận nhân dân chưa tự giác thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý cư trú dẫn đến tình hình dân cư trên địa bàn thành phố rất đa dạng, phức tạp, luôn biến động, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý và giữ gìn an ninh trật tự.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, trước đây, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và hộ khẩu, các thủ tục hành chính cấp các loại giấy tờ cho công dân, lưu trữ hồ sơ và tập hợp các văn bản lưu trữ để hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của ngành, lĩnh vực đều được thực hiện bằng phương pháp ghi chép thủ công. Một số đơn vị sử dụng máy tính nhưng chỉ để lưu số liệu phục vụ thống kê, không phục vụ tra cứu hoặc xác nhận. Với cách thức như vậy, việc quản lý dân cư đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Bên cạnh đó, Công an thành phố giải quyết các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú và khai báo tạm vắng của công dân sau đó được lưu trữ tại tàng thư Hồ sơ hộ khẩu tại Công an các quận, huyện. Trong khi đó công tác cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân được lưu trong tàng thư căn cước công dân tại phòng PC64, Công an các đơn vị. Như vậy song song tồn tại 2 hệ thống tàng thư, dẫn đến công tác quản lý dân cư có một số bất cập.

Đại tá Nguyễn Trọng Phượng đánh giá, dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" là bước đột phá mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính, căn bản đáp ứng yêu cầu của người dân. Trong quá trình thu thập thông tin dân cư, một lần nữa giúp công tác rà soát nhân khẩu, hộ khẩu được đảm bảo chính xác; hệ thống hồ sơ, sổ sách, nghiệp vụ được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ. Đồng thời qua đó tuyên truyền, phổ biến cho quần chúng nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, giải quyết cơ bản các vấn đề vướng mắc của công dân. Bên cạnh đó phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, xác minh thông tin về đối tượng kịp thời, có hiệu quả cao.

Nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc

Qua triển khai trên thực tiễn, một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai hệ thống quản lý dân cư là việc thu thập thông tin của người dân còn sai khác so với thực tế, cán bộ chiến sỹ phải mất thời gian để kiểm tra, phát hiện và đề xuất hướng xử lý.

Hội nghị Tổng kết dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" tại thành phố Hải Phòng hồi cuối năm 2016. Trong ảnh: Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động người dân tại một số quận, huyện còn chưa sâu rộng đến từng hộ gia đình trong địa bàn, do vậy lượng thông tin truyền tải đến với người dân còn có những hạn chế, dẫn đến thiếu sự hợp tác của một số người dân trong việc cung cấp thông tin cá nhân. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành, địa phương với lực lượng Công an chưa thực sự chặt chẽ...

Chính người dân sẽ được hưởng hiệu quả và điều kiện thuận lợi trong giao dịch, đi lại, tuy nhiên, trong đánh giá quá trình triển khai dự án thí điểm tại Hải Phòng thì công tác tuyên truyền vận động nhân dân tại tại một số đơn vị địa phương chủ yếu là phát trên loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn nên chưa được phổ biến sâu rộng đến từng hộ gia đình.

Đánh giá những kết quả từ dự án, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng vai trò quan trọng của dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" thí điểm tại thành phố Hải Phòng là các cơ quan chức năng đã rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua quá trình triển khai dự án.

"Đó là thực tiễn trong việc xây dựng và ban hành pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; về xây dựng quy trình thu thập, nhập và đồng bộ dữ liệu dân cư... Đây là những kinh nghiệm quan trọng, thiết thực, từ đó đề xuất các giải pháp xử lý có hiệu quả các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc", Trung tướng Trần Văn Vệ nhấn mạnh.

Xuân Tùng (TTXVN)