08:08 24/08/2019

Quản lý chất thải rắn đô thị - Bài 1: Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn ở đô thị

Từ thực tiễn đặt ra ở Việt Nam cho thấy, khởi động sáng kiến “nền kinh tế tuần hoàn” từ việc cải thiện quản lý chất thải rắn đô thị là một trong những hướng đi phù hợp và cần thiết.

 

Chú thích ảnh
Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Hướng đi phù hợp

Khu vực đô thị, thành phố chiếm gần 2/3 nhu cầu tiêu thụ năng lượng cả thế giới, thải ra hơn 80% lượng khí thải nhà kính và hơn 50% chất thải toàn cầu. Do vậy, tiếp cận phát triển theo hướng “kinh tế tuần hoàn” ở khu vực đô thị là phù hợp để đưa ra các giải pháp chính sách hạn chế, là yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đảm bảo chất lượng môi trường.

Mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, sẽ tạo ra một lượng phế thải khổng lồ. Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín tránh tạo phế thải.

Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê. Đây là tiền đề để thực hiện các mục phát triển bền vững thông qua đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, là con đường hướng đến nền kinh tế các bon thấp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng.

Tính toán của Liên minh châu Âu cho thấy, kinh tế tuần hoàn thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động từ phía nhu cầu có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn cho phép tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn, phục hồi các chuỗi giá trị của các nguồn nguyên liệu, cải thiện tỷ lệ sử dụng của các sản phẩm. Khu vực đô thị chứa đựng nhiều cơ hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn như: trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, năng lượng, chất thải điện tử, chất thải hữu cơ, chất thải nhựa, nước...

Các mục tiêu chính để các đô thị chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn gồm suy nghĩ lại về các mô hình sản xuất và tiêu dùng, cải thiện chất lượng môi trường và tạo dựng được các mô hình kinh doanh mới.

Amsterdam (Hà Lan) - một trong những đô thị tiên phong về áp dụng khái niệm kinh tế tuần hoàn trong quản trị đô thị đã đưa ra 7 nguyên tắc cụ thể để chuyển đổi sang một đô thị tuần hoàn bao gồm vòng khép kín, giảm thiểu phát thải, tạo dựng giá trị, thiết kế các mô dun, các mô hình kinh doanh đổi mới, định hướng về các hoạt động hậu cần đảo ngược ở cấp vùng, nâng cấp hệ thống tự nhiên.

Nhận diện các rào cản

Theo Ngân hàng Thế giới, chất thải rắn đô thị trên thế giới đang có xu hướng gia tăng. Năm 2016, các đô thị trên thế giới tạo ra 2,01 triệu tấn chất thải rắn, ước tính khoảng 0,74 kg/người/ngày. Với tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh, chất thải phát sinh hàng năm ước tính sẽ tăng 70% so với năm 2016 lên mức 3,4 triệu tấn vào năm 2050.

Các đô thị nghèo ở các nước đang phát triển đối mặt nhiều hơn do quản lý chất thải không bền vững. Ở các quốc gia này, trên 90% chất thải thường xuyên được xử lý bằng hình thức chôn lấp trong các bãi rác không được kiểm soát hoặc đốt rác công khai.

Quản lý chất thải rắn đúng cách đang là hết sức cần thiết để xây dựng các thành phố bền vững và đáng sống, nhưng thực sự vẫn là thách thức đối với các nước đang phát triển hoặc phát triển trung bình khi quản lý chất thải hiệu quả thường đắt đỏ và tiêu tốn từ 20 - 50% ngân sách hàng năm của các đô thị.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi cũng sẽ gặp phải 4 nhóm rào cản về tài chính, thể chế, xã hội và kỹ thuật. Nhóm các rào cản về khía cạnh tài chính như chi phí chuyển đổi cao, thu hồi vốn chậm, gia tăng về giá thành sản phẩm và các biện pháp, khả năng kinh tế của tái chế.

Nhóm các rào cản về thể chế gồm sự tồn tại của tư duy mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, quy định phức tạp và không linh hoạt, hạn chế về các hành động lồng ghép. Các rào cản về xã hội có hạn chế nhận thức và tầm nhìn, không chấp nhận sự thay đổi. Các rào cản về kỹ thuật gồm hạn chế sáng kiến để thiết kế các sản phẩm, sự lỗi thời của các kế hoạch, kỹ thuật bóc, tách sản phẩm, thiếu sự trao đổi về thông tin, thiếu số liệu để kiểm soát...

Các bên liên quan đều đóng vai trò quan trọng trong thiết lập, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong khu vực đô thị như chính phủ đưa ra những quy định pháp lý để khuyến khích, doanh nghiệp thực hiện các mô hình kinh doanh mới, tổ chức xã hội thiết lập các nghiên cứu và vận động chính sách, các cá nhân cần thay đổi hành vi tiêu dùng. Trong đó, các rào cản về văn hóa, các quy định, tài chính và tầm nhìn là những vấn đề nổi cộm.

Soi chiếu với Việt Nam

Dự báo trong những năm tới, Việt Nam sẽ gia tăng các nhu cầu về đất đai, khoáng sản, mức độ căng thẳng về nước, đặc biệt trong mùa khô cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị đến năm 2025.

Nhu cầu về điện và than, tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa cũng tăng các áp lực về ô nhiễm, suy thoái môi trường; khối lượng chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sẽ tăng mạnh vừa là áp lực nhưng cũng là cơ hội để kích hoạt các mô hình đô thị tuần hoàn, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường.

Tiến sỹ Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, để kích hoạt các mô hình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn ở khu vực đô thị, việc tiếp cận bắt đầu từ quản lý chất thải rắn là phù hợp và đáp ứng yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, tuy nhiên, soi chiếu với thực tiễn cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết để thực hiện được hướng tiếp cận này.

Để thực hiện định hướng đô thị tuần hoàn, thể chế bảo vệ môi trường còn những điểm chưa đáp ứng. Việc triển khai thực thi các văn bản, quy định pháp luật trong thực tế còn có một khoảng cách khá xa, nhiều đơn vị, tổ chức chưa thực sự nghiêm túc và chủ động trong việc triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.

Công tác bảo vệ môi trường vẫn chủ yếu dựa trên cơ chế mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, chưa xem trọng các biện pháp dựa vào thị trường và chưa cân nhắc việc hình thành các yếu tố thị trường để tạo ra động lực cho việc thay đổi các hành vi của cả người sản xuất và người tiêu dùng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; tái chế, tái sử dụng chất thải.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất và sản xuất - kinh doanh vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; chưa tạo ra được những động lực đột phá để huy động nguồn lực, đặc biệt là khu vực ngoài Nhà nước.

Bởi vậy, nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường để giảm thiểu chi phí ngắn hạn, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường gia tăng. Thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ để vận hành đồng bộ với xu hướng của thế giới.

Vai trò của Nhà nước trong tạo dựng, hỗ trợ phát triển, điều tiết thị trường và hành vi của các chủ thể thị trường để hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường còn yếu.

Hệ thống công cụ dựa vào thị trường chưa đồng bộ, thống nhất để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể về các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng minh bạch, công bằng, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững trong nền kinh tế chưa đầy đủ; chưa tạo ra các áp lực tài chính và động lực để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường nói chung vẫn chưa được phát huy một cách đầy đủ. Hoạt động bảo vệ môi trường của cộng đồng còn nhiều hạn chế, nhiều nơi mang tính hình thức, thường không được đánh giá đúng mức và không được sự ủng hộ rộng rãi, thường xuyên. Nhiều lĩnh vực mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa, song sự tham gia của cộng đồng còn rất hạn chế.

Nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác huy động các nguồn lực từ xã hội chưa hiệu quả. Tại các đô thị, nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước, một phần nhỏ được bù đắp từ nguồn thu phí vệ sinh từ các cơ sở sản xuất dịch vụ và hộ gia đình. Tuy nhiên, mức thu còn thấp và chỉ đủ bù đắp một phần công tác thu gom, vận chuyển, chưa tính đến chi phí xử lý.

Cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư trong xử lý chất thải rắn đã được thể chế hóa nhưng thực tiễn triển khai áp dụng còn nhiều khó khăn do việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn quá nhiều hạn chế, chưa thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

Công nghệ sản xuất nhìn chung tụt hậu so với mức trung bình của thế giới khoảng 2-3 thế hệ, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn ở khu vực đô thị vẫn còn hạn chế, hành vi xả thải bừa bãi vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều đối tượng.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về môi trường trong quá trình sản xuất, tiêu dùng còn hạn chế. Hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế chia sẻ chưa đáp ứng yêu cầu để giám sát, đánh giá các mục tiêu của kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chất thải rắn đô thị.

Bài 2: Khối lượng chất thải không ngừng gia tăng

Minh Nguyệt (TTXVN)