10:14 18/10/2018

Quản lý, bảo tồn trong phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Quản lý, bảo tồn trong phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ”, với sự tham dự của các nhà khoa học chuyên ngành, đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và giáo viên, sinh viên của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Chú thích ảnh
Các thuyền đang kéo lưới đánh bắt cá cơm tại khu vực biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Theo nhận xét của Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hoàn, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo-Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Vùng bờ biển Việt Nam dài 3.260 km và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ giàu tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế, mật độ dân cư đông nhất cả nước, là nơi hội tụ nhiều ngành kinh tế trọng yếu. Tuy vậy, đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt, mâu thuẫn giữa lợi ích sử dụng các tài nguyên biển vùng bờ với hoạt động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang gia tăng, đòi hỏi phải có giải pháp tiếp cận đa ngành nhằm quản lý hiệu quả hệ sinh thái và phối hợp huy động sự tham gia, đóng góp của các bên liên quan.

Nhưng trên thực tế hiện nay, công tác quy hoạch, phân vùng sử dụng tài nguyên và không gian vùng bờ biển vẫn chưa được thực hiện, dẫn đến nảy sinh nhiều xung đột, mâu thuẫn về lợi ích trong việc khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên vùng bờ giữa các ngành và địa phương có biển. Nhất là phương thức quản lý tổng hợp vẫn đang là vấn đề “mới mẻ” đối với cán bộ quản lý chuyên ngành. Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương có biển chưa được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời còn thiếu các nguồn thông tin, dữ liệu cần thiết đạt độ tin cậy, cũng như chưa được hệ thống hóa và thiếu cơ chế chia sẻ và tiếp cận nguồn thông tin.

Do đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế liên quan tới quản lý tổng hợp vùng bờ để triển khai thống nhất trong cả nước. Đi đôi với việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan và cộng đồng về quản lý tổng hợp vùng bờ; các tài nguyên, giá trị tự nhiên và những đe dạo tự nhiên đến đời sống, an sinh xã hội ở vùng bờ.

Với tham luận “quản lý tổng hợp tài nguyên nước và những chuẩn bị của Việt Nam”, chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Thị Phương lâm cho rằng, quản lý tổng hợp tài nguyên nước là một quá trình đẩy mạnh phối hợp phát triển quản lý tài nguyên nước, đất và các tài nguyên liên quan làm sao tối da hóa được các lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng và không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu.

Quản lý tổng hợp vùng bờ (đới bờ) là một phần trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước, là quá trình liên kết giữa các hoạt động quản lý ở phạm vi lưu vực sông và vùng ven biển. Cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông và quản lý tổng hợp vùng bờ là 2 cách tiếp cận về quản lý tổng hợp khá riêng biệt, nhưng trên thực tế chúng lại gắn kết với nhau. Ở Việt Nam hiện mới chú ý đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và chưa có quản lý tổng hợp vùng bờ biển. Vấn đề cần ưu tiên là tổ chức nghiên cứu thí điểm về quản lý tổng hợp đới bờ cho vùng cửa sông giáp biển, để hạn chế tình trạng xói lở, bồi lắng, phòng chống lũ lụt, nước biển dâng đang gia tăng khó lường.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe và thảo luận về các đề tài nghiên cứu khoa học như: Tài nguyên nước dưới đất các đồng bằng ven biển miền Trung-Tiềm năng và thách thức; Tổng hợp vùng bờ Việt Nam-Chính sách và thực tiễn; Tiềm năng năng lượng sóng biển ven bờ Việt Nam; Hệ thống quan trắc và dự báo tài nguyên quốc gia, những thành tựu trên con đường hội nhập.

Văn Hào (TTXVN)