11:23 19/11/2012

Quản lý bán hàng đa cấp - Cần khung pháp lý chặt chẽ

Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đã xuất hiện tại Việt Nam trong một thời gian rất dài nhưng lại bị các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý. Do đó, nhiều công ty đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để kinh doanh bất hợp pháp.

Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đã xuất hiện tại Việt Nam trong một thời gian rất dài nhưng lại bị các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý. Do đó, nhiều công ty đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để kinh doanh bất hợp pháp.

 

Nhiều chiêu dụ mới


Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để cung cấp các dịch vụ như gian hàng ảo trên mạng, du lịch miễn phí, huy động tài chính với lãi suất cao… Đơn cử các doanh nghiệp như: Mua bán 24, Tâm Mặt Trời đã dụ dỗ, lừa dối khách hàng mua gian hàng ảo trên mạng (gọi là hàng hóa) với số tiền lớn.


 

Người dân nên cảnh giác với những chiêu lừa từ hình thức bán hàng đa cấp.

Thực chất thủ đoạn của những công ty bán hàng đa cấp này là đánh vào lòng tham của người tham gia mạng lưới. Với hình thức người này lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia thì các mạng lưới bán hàng đa cấp phát triển rất nhanh và mức độ, quy mô khá lớn. Để làm được điều đó, các nhân viên tập đoàn đa cấp thường vẽ ra cho người tham gia một tương lai màu hồng về một công việc có thu nhập cao.


Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, một số công ty như: Cộng Đồng Việt, Colonyinvest tung chiêu lừa là góp vốn qua mạng với mức lãi suất cực cao, tiền thưởng hậu hĩnh. Theo đó, các cá nhân góp vốn dưới dạng “mã” điện tử (tương đương 1,8 triệu đồng) và phải có ít nhất 3 “mã” mới được công nhận là thành viên. Nếu người này lôi kéo thêm được 4 “mã” nữa thì sẽ đứng đầu một hệ thống và được thưởng ngay 2 triệu đồng. Tiếp tục lôi kéo đến khi hệ thống đạt đến 49 “mã” sẽ được thưởng bậc 2 với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Với mô hình này, hàng hóa chỉ mang tính chất tượng trưng, người mua không nhận được hàng.


Ông Võ Đan Mạch, Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết: Hình thức này đều lợi dụng bán hàng đa cấp để trục lợi vì hàng hóa ở đây không có thật mà chỉ là các dịch vụ. Trên thực tế, bán hàng đa cấp là một phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa thông qua nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Do vậy, những doanh nghiệp nào chi trả hoa hồng cho các thành viên mà không dựa vào kết quả bán hàng hóa đều là hình thức lợi dụng bán hàng đa cấp để trục lợi.

 

Hoàn thiện khung pháp lý


Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, tính đến tháng 9/2012, Việt Nam có 77 doanh nghiệp được cấp giấy phép tổ chức kinh doanh bán hàng đa cấp. Các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp đã thu hút trên 1 triệu người tham gia và đóng góp 4.200 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, hoạt động kinh doanh đa cấp tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là một loại hình kinh doanh tiên tiến và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều công ty đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để trục lợi, tạo nên những hình ảnh không thiện cảm trong mắt người dân về loại hình bán hàng này. Ở TP Hồ Chí Minh đến nay đã cấp 35 giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Trong đó có 11 doanh nghiệp bị thu hồi giấp phép, chấm dứt hoặc dừng hoạt động. Nguyên nhân là do sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đúng chất lượng.


Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, khẳng định, đến nay pháp luật Việt Nam chưa cho phép đưa các mặt hàng dịch vụ vào kinh doanh đa cấp. Do vậy, các công ty kinh doanh đa cấp, kinh doanh dịch vụ như huy động vốn, gian hàng ảo, dịch vụ chăm sóc, nghỉ dưỡng, du lịch… đều là những hình thức bất hợp pháp và những người tham gia các hoạt động này phải chịu những rủi ro rất lớn.


Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, ông Bạch Văn Mừng cho biết: Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số nội dung của Nghị định 110/2005/NĐ-CP nhằm quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chặt chẽ hơn. Trong đó, sẽ kiến nghị tăng mức ký quỹ và buộc doanh nghiệp khi mở rộng hoạt động kinh doanh ở đâu phải có trách nhiệm đăng ký và báo cáo cho cơ quan chức năng sở tại để dễ dàng quản lý hơn.


Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chặt chẽ hơn thì cần phải xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ. Một khi đã có hành lang pháp lý vững chắc thì các công ty kinh doanh sẽ không có cơ hội lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để kinh doanh bất chính. Đồng thời, sẽ bảo vệ được quyền lợi của người tham gia hình thức kinh doanh này.


Bài và ảnh: H.Tuyết- Đ. Phương