01:21 01/01/2019

Quản lý an ninh nước ở Việt Nam - Bài 1: Khan hiếm nước ngày càng trầm trọng

Đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực và cũng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cần có những giải pháp quản lý an ninh nước hướng tới phát triển bền vững. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 3 bài viết “Quản lý an ninh nước ở Việt Nam” nhằm thông tin rõ hơn về vấn đề này.

Chú thích ảnh
 Toàn cảnh nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (giai đoạn 1A). Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mê Kông... Mặc dù đã tham gia các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, thực tế phát triển và xu hướng gia tăng khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế trong đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế. 

Trong phạm vi quốc gia, nguồn nước, hệ thống sông ngòi là nơi gánh chịu những ảnh hưởng rõ nét nhất từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khi mà nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng nhưng việc bảo vệ nguồn nước, triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm lại chưa được chú trọng. Nguồn sinh kế truyền thống và nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu đã bị giảm sút, thậm chí là biến mất ở nhiều nơi. Hơn nữa, các tranh chấp trong việc chia sẻ, sử dụng nguồn nước trong lưu vực sông một cách công bằng, hợp lý giữa các địa phương, các bên liên quan trở thành một thách thức đối với an ninh nguồn nước.

Theo các chuyên gia tài nguyên nước, hiện thách thức lớn nhất đối với quản trị an ninh nước ở Việt Nam chính là mức độ tăng trưởng dân số, bởi đối sánh với mức độ nước đang có Việt Nam ngày càng thiếu hụt về nước, nhu cầu sử dụng nước đang tăng so với nguồn cung về nước. Tính khan hiếm về nước ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt ở những khu vực dễ bị tổn thương như Đồng bằng sông Cửu Long.

Thách thức nữa là hầu hết những tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra thông qua hình thức về nước. Nhu cầu về nước sẽ tăng lên ở hầu hết các lưu vực sông của Việt Nam; sự cạn kiệt nước ở khu vực sông hồ cũng gây ra những tác động khác nhau về mặt nguồn nước. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro thiên tai giữa mùa cạn và mùa lũ so với các nước láng giềng, năng lượng dự trữ của Việt Nam còn thấp. Trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục và biến đổi khí hậu sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Giải pháp từ các nhà quản lý

Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, cụ thể là các biện pháp bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò khai thác nước dưới đất; các tiêu chí để khoanh định, công bố các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất.

Kể từ khi Quy định được ban hành, đến nay mới chỉ có ít địa phương ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Lạng Sơn, Hưng Yên… còn lại đa phần các địa phương chưa ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Ông Triệu Đức Huy, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Việt Nam đẩy mạnh các nghiên cứu về an ninh nguồn nước nói riêng và an ninh môi trường nói chung, nhằm đề xuất các khung chính sách và giải pháp quản lý ứng phó, trong đó việc xác định các chỉ số an ninh là rất quan trọng.

Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo tác động của các phát triển thượng lưu có thể gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sớm, nhất là dự báo theo tháng, theo mùa để kịp thời có các giải pháp mang tính chủ động; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông; xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng, bao gồm các thông tin, số liệu tổng hợp về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai... để chia sẻ thông tin, dữ liệu thống nhất giữa trung ương và địa phương, các ngành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. Trong đó, tập trung vào việc góp ý các tiêu chí để khoanh định, công bố các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất; đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc thăm dò, khai thác nước dưới đất.

Đồng tình với ý kiến trên, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Bẩy cho biết, năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước, sửa đổi bổ sung toàn diện và thay thế Luật Tài nguyên nước năm 1998. Luật Tài nguyên nước (mới) đã quy định cụ thể nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng, nhất là quy định về thăm dò, khai thác nước dưới đất, hạn chế khai thác nước dưới đất.

Để triển khai hiệu quả các quy định về việc hạn chế khai thác nước dưới đất, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước dưới đất, tăng cường các biện pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc thăm dò, khai thác nước dưới đất thì việc ban hành Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất là hết sức cần thiết hiện nay.

Bài 2: Tăng cường bảo vệ nguồn nước

Diệu Thúy (TTXVN)