11:17 21/11/2016

Quan hệ thương mại Mỹ với Á, Âu dưới thời ông Trump

Trang mạng Euobserver.com đăng bài phân tích của chuyên gia Dan Steinbock về tương lai quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu, châu Á dưới thời ông Trump.

Biểu tình phản đối Hiệp định TTIP. Ảnh: greenpeace.com

Sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ quá trình đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do của Mỹ với châu Âu và châu Á đã bị ngưng lại. Các thỏa thuận mới hoặc được xem xét lại sẽ phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra của chính quyền mới do ông Trump lãnh đạo. Trong quá trình tranh cử ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ không chỉ xem xét lại vai trò của Mỹ trong NATO mà còn rút khỏi các thỏa thuận thương mại tự do. Tất nhiên, các cam kết tranh cử là một vấn đề, việc thực hiện hay không lại là vấn đề khác. Mặc dù vậy, khả năng ông Trump sẽ thực hiện các cam kết trên nhằm làm hài lòng các đại cử tri quan trọng đã ủng hộ mình. Ông Trump coi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một thảm họa đối với người dân Mỹ. Vì vậy, ông muốn Mỹ rút khỏi NAFTA và thậm chí có thể là rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ông Donald Trump dẫn Điều 2205, Hiệp định NAFTA, trong đó cho phép Mỹ có thể rút khỏi Hiệp định này sau thời điểm 6 tháng kể từ khi đệ trình đơn bằng văn bản. Hiệp định NAFTA sẽ vẫn có hiệu lực đối với các nước thành viên còn lại. Cùng lúc đó, theo Điều 2135 Luật về chấm dứt và thẩm quyền rút khỏi các thỏa thuận thương mại, Tổng thống có quyền “tại bất cứ thời điểm nào chấm dứt một phần hoặc toàn bộ các thỏa thuận được quy định trong chương này”. Trong tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại trong tương lai ông Trump có thể sẽ sử dụng tới quyền này.

Trong thực tế, trong các mục tiêu chiến lược trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump có các thỏa thuận thương mại mà ông cho là “công bằng”. Ông Trump tin rằng các thỏa thuận thương mại đã khiến người dân nước này mất việc làm do thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đặt cơ sở sản xuất ở nước ngoài, nơi có các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và tiền lương thấp hơn. Ông Trump cam kết sẽ “đảo ngược lại các chính sách kéo dài trong hàng thập kỷ qua khiến người dân Mỹ mất đi việc làm”. Theo quan điểm này, các thỏa thuận thương mại hiện nay của Mỹ với châu Âu và châu Á là TTIP và TTP khả năng sẽ trở thành quá khứ.

Sau bầu cử Tổng thống Mỹ một số nước thành viên Hiệp định TPP đã tìm cách thúc đẩy việc xem xét lại thỏa thuận này trước khi Tổng thống Donald Trump có thể hủy bỏ nó. Nhật Bản đang đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Sau hàng loạt các chương trình nới lỏng tiền tệ nền kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng rất thấp, đối mặt với tình trạng giảm phát và nợ công tăng mạnh. Chính vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản tìm cách cứu vãn Hiệp định TPP. Trong khi đó, đã đến lúc Brussels cần nhận ra nguy cơ trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Hiện có hai viễn cảnh liên quan đến chính sách của Mỹ đối với các Hiệp định NAFTA, TTIP và TPP.

Thứ nhất, gần đây Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã mời ông Donald Trump tham dự một hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm khởi động lại tiến trình đàm phán TTIP. Khả năng Hiệp định TTIP sẽ được chỉnh sửa, trong đó EU sẽ xác định lại một số điều khoản dù có thể trở nên khó chấp nhận hơn đối với phần lớn các nước thành viên liên minh nhưng lại dễ được phía Mỹ thông qua. Viễn cảnh điều chỉnh lại các thỏa thuận thương mại tự do có thể được ông Trump chấp nhận nhưng sẽ đòi hỏi xem xét lại các điều khoản cơ bản. Đối với Canada, Mexico, EU và các nước đối tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này còn đỡ tồi tệ hơn việc hủy bỏ hoàn toàn các thỏa thuận nói trên.

Thứ hai, Mỹ rút khỏi các thỏa thuận nói trên. Điều này sẽ kết thúc các thỏa thuận thương mại hiện nay của Mỹ với EU và châu Á nhưng sẽ tạo cơ hội cho việc đàm phán các thỏa thuận mới dễ chấp nhận hơn đối với chính quyền của ông Trump. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009 chiến thắng của ông Trump không phải là đầu tiên mà cũng chẳng phải là cuối cùng của các chính trị gia theo xu hướng chống người nhập cư ở các nước phát triển. Viễn cảnh tương tự sẽ xảy ra trong những năm tới, nhất là ở châu Âu. Tiến trình này sẽ khiến cho ảnh hưởng của các chính trị gia ủng hộ TTIP suy giảm hoặc biến mất trong EU.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Praha)