02:15 21/02/2014

'Quan hệ nước lớn kiểu mới': Trung Quốc ‘sốt ruột’, Mỹ ‘ngó lơ’

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải chẳng mấy khi đến dự các cuộc hội thảo, phát biểu tại các viện nghiên cứu chính sách của Mỹ. Nhưng hôm 20/2 thì là một ngoại lệ.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải chẳng mấy khi đến dự các cuộc hội thảo, phát biểu tại các viện nghiên cứu chính sách (think tank) của Mỹ. Nhưng hôm 20/2 thì là một ngoại lệ.

Trung Quốc “sốt ruột”


Đơn giản là vì ông đã đến dự một cuộc hội thảo về “Quan hệ nước lớn kiểu mới giữa các cường quốc” tại Trung tâm Vì sự phát triển Hoa Kì. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng này trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6/2013,  “quan hệ kiểu mới” đã trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh mong muốn tạo dựng một khuôn khổ cho hợp tác Mỹ - Trung. Sự thiếu hào hứng của giới hoạch định chính sách Mỹ không hề làm giảm sự hào hứng của Trung Quốc. Ông Thôi Thiên Khải nói: Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đi đến một quyết định quan trọng, rằng “chúng ta sẽ hợp tác cùng nhau vì một quan hệ kiểu mới”.

Đại sứ Thôi Thiên Khải phát biểu tại Trung tâm Vì sự Phát triển Hoa Kì hôm 20/2 tại Washington.


Đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện hôm 20/2 là Quỹ Giao lưu Mỹ - Trung, do ông C.H Tung làm chủ tịch. Ông này là giám đốc điều hành đầu tiên của Trung Quốc ở Hong Kong, hiện giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội nghị tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc, một cơ quan giúp việc cho ĐCS Trung Quốc. Theo thông tin của Viện Dự án 2049, một tổ chức tư vấn an ninh có trụ sở ở bang Virginia, Quỹ Giao lưu Mỹ - Trung Quốc có “mối quan hệ thân thiết với Hiệp hội Tiếp xúc quốc tế Hữu nghị Trung Quốc, một tổ chức chuyên thực hiện “chiến dịch xây dựng ảnh hưởng” của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Các chiến dịch này, theo Viện Dự án 2049, nhằm “thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khuôn khổ một trật tự thế giới mới chống lại các mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh quốc gia. Được biết đến với tên khác là “chiến tranh chính trị”, nhưng hành động này “viện đến các chiến dịch tâm lý chiến lược như là công cụ để dẫn dắt luồng suy luận quốc tế, gây ảnh hưởng đến chính sách với các quốc gia bạn bè và kẻ thù”. Chưa biết sự kiện vừa qua ở Trung tâm Vì sự phát triển Hoa Kì có được thực hiện dưới chiến dịch này hay không. Nhưng có một điều là: Giọng điệu của Trung Quốc về chủ đề “quan hệ nước lớn kiểu mới” là rất nóng hổi. Các tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc được giao nhiệm vụ tổ chức các cuộc đối thoại với đối tác Mỹ từ hồi năm ngoái. Các cựu quan chức, quan chức đương nhiệm Trung Quốc cũng thường xuyên nói nhiều về chủ đề này.

Mỹ ngó lơ

Ông Obama đã gật đầu đồng ý, nhưng kể từ đó thì các tuyên bố tiếp sau của Washington là rất “mờ nhạt”. Những phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel R. Russell hay ông Evan Medeiros, Giám đốc cấp cao các vấn đề châu Á trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia trong 1-2 tuần trở lại đây về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Hoa Đông thậm chí còn làm Trung Quốc buồn lòng. Chính ông Thôi đã thừa nhận: “Phải nói thẳng một điều, có nhiều tuyên bố chính thức từ chính phủ, người phát ngôn, đôi khi sử dụng những ngôn từ kháng cự và không mang tính xây dựng... Cùng với đó là các tuyên bố mà lúc đầu là lời khẳng định quan điểm chung chung, nhưng rồi sau lại chuyển sang những chỉ trích dài lê thê, thiên vị, không có căn cứ... Tôi hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ không còn thường thấy các tuyên bố như vậy nữa”.

Có nhiều câu hỏi về chính cái gọi là “hình mẫu kiểu mới” đối với Mỹ, thậm chí đã có sự nghi ngại ở Washington về việc có nên theo đuổi hình mẫu này. Một trong những trụ cột trọng yếu của “hình mẫu kiểu mới” chính là “cùng tôn trọng lẫn nhau”. Và đây là điểm mà đôi khi người Mỹ quan ngại. Ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson nói: “Đó dường như là một cụm từ không thể phản bác được, nhưng người Mỹ có thể lại không nghe hoặc không hiểu được theo cách mà Trung Quốc mong muốn. Ngược lại, Mỹ thường nghe thấy 2 điều. Đầu tiên ‘cùng tôn trọng lẫn nhau’ nghĩa là hãy chấp nhận lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ngay cả khi nó mâu thuẫn với cái thuộc về lợi ích của Mỹ. Điều thứ 2, cụm từ đó có nghĩa là ‘câm lặng’, với hàm ý trong quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc, Trung Quốc mong Mỹ giữ im lặng theo hướng tôn trọng những hành động và chính sách mà Washington không thích...”. Theo nhà nghiên cứu này, “quan hệ nước lớn kiểu mới là tiến trình dài, cần phải có các cuộc thảo luận cụ thể, chi tiết gắn với viên cảnh thực tế, ví dụ như “làm thế nào để tạo lập một cấu chúc an ninh tại Tây Thái Bình Dương mà cả Mỹ và Trung Quốc đều chấp nhận được”.

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình thoạt nhiên đưa ra ý tưởng này, ông Obama phản ứng đồng thuận, vì đơn thuần nó chỉ nhấn mạnh sẽ không nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. “Lẽ ra hai bên nên dừng lại ở đó thôi, khi đã được thỏa thuận”, Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhìn nhận. “Thế nhưng, ở trang trại Sunnylands, ông Tập lại cứ nằng nặc đưa ra 'định nghĩa tích cực' bao hàm cả hợp tác cùng thắng, cùng tôn trọng những lợi ích cốt lõi của nhau. Những thứ này chính là điều Mỹ không sẵn sàng chấp thuận. Vì thế, định nghĩa khái niệm giờ đây vẫn còn là thách thức”, chuyên gia này bình luận.


HT (Epochtimes)