09:07 28/09/2018

Quan hệ Nga-Israel ra sao sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ ở Syria?

Mối quan hệ Nga – Israel đột nhiên trục trặc sau vụ máy bay Il-20 của Nga vô tình bị Syria bắn hạ khiến 15 quân nhân thiệt mạng. Đây là sự cố thuộc dạng khó tránh khi mà có quá nhiều bên với quá nhiều quan điểm, lợi ích tham gia vào cuộc xung đột ở Syria.

Sự cố châm ngòi xung đột

Theo thông tin từ phía Nga, hệ thống phòng không Syria ngày 18/9 đã bắn hạ máy bay Nga sau khi Israel tấn công các vị trí ở khu vực Latakia, tây bắc Syria. Nga đổ lỗi cho Israel vì đã bẫy máy bay Nga vào làn đạn phòng không và chỉ thông báo cho Nga một phút trước khi tấn công vị trí ở Syria.

Video Bộ Quốc phòng Nga công bố khoảnh khắc Il-20 bị bắn hạ (nguồn: RT):

Phát biểu với hãng RIA-Novosti, Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên quân đội Nga, nói: “Do hành động vô trách nhiệm của quân đội Israel, 15 quân nhân Nga đã thiệt mạng. Sự việc hoàn toàn không theo đúng tinh thần quan hệ đối tác Nga-Israel”.

Israel đã bày tỏ đau buồn cho mất mát sinh mạng của phía Nga nhưng đổ lỗi hoàn toàn cho quân đội Syria về vụ việc này. Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã tuân thủ các quy ước trong liên lạc với Nga để đề phòng ngừa các sự cố. Israel cho rằng cả Iran và lực lượng Hezbollah cũng phải chịu trách nhiệm.

Ngày 25/9, Nga thông báo dữ liệu radar chứng tỏ máy bay Israel nấp đằng sau chiếc Il-20 để tránh tên lửa phòng không Syria. Do công nghệ lạc hậu nên phòng không Syria đã bắn chiếc Il-20 vì nó to hơn và dễ phát hiện hơn chiếc F-16 của Israel nấp đằng sau. Dữ liệu này được thu thập từ các radar của trạm chỉ huy và kiểm soát hệ thống tên lửa S-400 mà Nga triển khai ở căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia. 

Các chuyên gia độc lập Israel đọc kết quả điều tra của Nga lại cho rằng phía Nga có sử dụng hình ảnh radar giả mạo. Tuy nhiên, về mặt chính thức, Israel không đưa ra khẳng định đó để tránh gia tăng căng thẳng.

Việc Israel có cố tình sử dụng chiếc Il-20 để làm lá chắn hay không vẫn còn là một câu hỏi mở nhưng sự việc cho thấy lỗ hổng dễ thấy trong hợp tác quân sự Nga-Israel. 

Xu hướng quan hệ Nga-Israel

Theo tờ Haaretz, cuộc khủng hoảng Nga-Israel có lẽ còn lâu mới kết thúc khi mà nhiều ngày sau sự cố, Nga đã từ chối khi Israel có ý định gửi quan chức chính trị cấp cao tới Moskva. Sau đó, Nga đồng thời thông báo sẽ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tân tiến tới Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết S-300 sẽ tới Syria trong vòng hai tuần. Trước đó, Nga đã trì hoãn cung cấp cho Syria hệ thống S-300, hệ thống mà Israel sợ Syria sẽ sử dụng để chống lại mình. Ông Shoigui nói Nga sẽ thực hiện vụ giao S-300 vì “tình hình đã thay đổi và đó không phải lỗi của chúng tôi”.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng thủ S-300 của Nga. Ảnh: Sputnik

Ngay sau thông báo trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được điện từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Putin cho biết động thái của Nga chủ yếu nhằm bảo vệ mạng sống của quân nhân Nga. Còn thông báo của văn phòng ông Netanyahu sau cuộc điện đàm có đoạn: “Chuyển giao vũ khí hiện đại tới những bàn tay vô trách nhiệm sẽ làm gia tăng nguy hiểm trong khu vực”. Tuyên bố nhấn mạnh Israel sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh và lợi ích của mình.

Theo bình luận của tạp chí National Interest, cuộc tranh cãi Nga-Israel có thể không dẫn tới những thay đổi cơ bản cả về chiến dịch quân sự ở Syria lẫn quan hệ ngoại giao song phương. Nâng cấp hệ thống phòng không Syria sẽ không ngăn cản được các vụ tấn công từ phía Israel. 

Có thể có các sự cố tương tự trong tương lai do khó khăn trong phân định cái gì thuộc về Syria và cái gì thuộc về Iran và Hezbollah. Phía Israel cho biết chiến dịch mà Lực lượng Phòng vệ Israel thực hiện vào ngày xảy ra sự cố bắn hạ máy bay Nga là nhằm vào một cơ sở ở Syria bị cho là sắp chuyển vũ khí cho Hezbollah theo sự ủy quyền của Iran.

Iran từng nhiều lần thề "xóa tên Israel khỏi bản đồ thế giới" và từ nhiều thập kỷ qua đã tìm cách thực hiện điều đó bằng cách chuyển vũ khí cho các nước láng giềng của Israel, như Liban – nơi Hezbollah nắm quyền lực.

Còn về phần mình, Israel muốn phá hủy mọi vũ khí của Iran ngay trong quá trình vận chuyển cho các lực lượng như Hezbollah. Do đó, các cuộc không kích của Israel sẽ vẫn tiếp tục trong bối cảnh hiện nay, nhất là các cuộc không kích đòi hỏi áp chế hệ thống phòng không ở Syria. Tuy nhiên, khi Israel tấn công hệ thống phòng không Syria do Nga cung cấp, nước này có nguy cơ gây thương vong cho binh sĩ Nga.

Một khi trường hợp đó lại xảy ra, lực lượng không quân và hải quân lớn của Nga đang hiện diện ở Syria có thể được huy động nhanh chóng chống lại Israel. Theo ông Nikolai Sokov, thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterrey, điều này hạn chế không chỉ Israel mà còn cả Mỹ trong trường hợp không kích Syria. 

Nhắc đến hệ thống S-300 sắp được Nga đưa tới Syria, ông Sokov nói: "Với S-300, không chỉ phòng không Syria sẽ hiệu quả hơn mà hệ thống này sẽ cần thiết để nhắc nhở đối thủ rằng có người Nga vận hành hệ thống phòng không Syria. Vì thế, lần tiếp theo mà Israel hoặc Mỹ có ý định tấn công Syria, hai nước sẽ không chỉ đối mặt với sự kháng sự mạnh hơn thường lệ mà còn có thể rơi vào tình huống đối đầu quân sự trực tiếp, leo thang nhanh chóng với quân đội Nga – một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới.

Chiến lược của Nga, Israel

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chiến lược lớn ở Syria. Chính sách của ông với cả Syria và Israel là một phần trong chiến lược biến Nga thành một nhân tố quan trọng khắp Trung Đông. Đó là một chiến lược thực tế và hiệu quả, đáng để theo đuổi. Theo chiến lược này, Nga đối thoại với các bên và không cho phép chia tách khu vực thành bạn và thù. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin (phải) và Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 29/1 tại Moskva. Ảnh: Sputnik

Theo bình luận của National Interest, chiến lược của Nga ở Trung Đông khéo léo hơn Mỹ cho dù có ít nguồn lực trong khu vực hơn Mỹ. Đối phó với Israel không làm ảnh hưởng tới cam kết của Nga với chính phủ Syria. Trái lại, tham vấn với Israel có thể giúp giảm xung đột quân sự và ngăn các sự vụ như vụ Il-20 bị bắn hạ. Ý đồ của Nga cũng là khiến Israel tập trung vào các mục tiêu liên quan tới Iran và Hezbollah hơn là chính phủ Syria.

Về phần mình, Thủ tướng Israel có chiến lược hẹp hơn ở Syria khi chỉ muốn tập trung sức mạnh quân sự đối phó với Iran và Hezbollah ở Syria. Israel đã thực hiện khoảng 200 cuộc không kích ở Syria trong 2 năm qua. Đây là những cuộc không kích mà Israel không phải lo lắng về chi phí và sự phức tạp. 

Phát biểu trước khi tới New York dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/9, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: "Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ tiếp tục tấn công mục tiêu Iran ở Syria cho dù có S-300 của Nga ở đây".

Chiến lược ở Syria là gì thì điều quan trọng với cả hai bên là vấn đề giảm xung đột quân sự để tránh những sự cố như vụ Il-20, nhất là khi cả Israel và Nga đều hoạt động ở Syria.

Thùy Dương/Báo Tin tức