05:08 27/05/2019

Quan hệ Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Modi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 sau cuộc bầu cử Hạ viện. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là quan hệ của New Delhi với Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ hai của ông Modi sẽ như thế nào.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Modi (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Thách thức chính sách ngoại giao đầu tiên với chính phủ của Thủ tướng Modi là việc ra quyết định về nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Mỹ nhiều lần ra sức ép yêu cầu các quốc gia khác không được nhập khẩu dầu của Iran và mới đây Tổng thống Donald Trump cũng ký sắc lệnh xóa bỏ qui chế miễn trừ dành cho các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu từ Iran. Về phần mình, Ấn Độ cũng trì hoãn ra quyết định cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc.

Đây chỉ là một trong rất nhiều thách thức mà Thủ tướng Modi phải đối mặt trong tình hình hiện tại, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho tới lệnh trừng phạt với Iran… để đảm bảo lợi ích của Ấn Độ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết ông Modi nhiều khả năng tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại ông từng áp dụng từ cuối nhiệm kỳ một với quan điểm cứng rắn về khủng bố và Pakistan, tập trung đẩy mạnh kết nối với các quốc gia láng giềng và cẩn trọng cân bằng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Thủ tướng Modi có xu hướng tạo quan hệ thân thiết hơn với Mỹ về an ninh, và ở mức độ nào đó là điều chỉnh với bản chất khó đoán định của Tổng thống Donald Trump.

Hợp tác về an ninh giữa Ấn Độ với Mỹ cũng thêm phần gắn kết hơn dưới thời Thủ tướng Modi khi thống nhất hai thỏa thuận quân sự quan trọng. Các cuộc diễn tập hàng hải giữa Ấn Độ với Mỹ và Nhật Bản cũng tăng về quy mô và phạm vi. Mấy năm gần đây, Ấn Độ cũng chủ trương đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí, chứ không chỉ phụ thuộc chính vào việc mua vũ khí của Nga.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Modi đề cập rằng các cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ; Nga, Ấn Độ cùng Trung Quốc “thu hút sự chú ý của các nhà quan sát toàn cầu”. Thủ tướng Modi nói: “Ấn Độ đã xuất hiện ở cả hai cuộc họp. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ”.

Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2014, Thủ tướng Modi đã miêu tả Trung Quốc “theo chủ nghĩa bành trướng”, tuy nhiên đến lần vận động tranh cử năm nay nhà lãnh đạo Ấn Độ đã không còn dùng phương pháp tương tự.

Thủ tướng Modi từng nói: “Mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc được đôi bên tôn trọng. Khi thế giới nhắc đến thế kỷ này là của châu Á thì họ đang nói về sự phát triển của của Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy chúng tôi hợp tác cùng nhau với những kiến thức cùng tập trung phát triển. Ngay cả khi có những khác biệt, hai quốc gia hiểu rằng sẽ có điều chúng ta không thể thỏa hiệp”.

Thủ tướng Modi thừa nhận có nhiều vấn đề không thể giải quyết với Trung Quốc, như vấn đề biên giới, song trong năm 2018 ông cũng nhấn mạnh không bao giờ cho phép “các khác biệt trở thành tranh chấp”.

Trên thực tế, Ấn Độ vẫn lo ngại về mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan thêm phần thân thiết. Ngoài ra, tại Hội nghị Cấp cao "Vành đai, Con đường" diễn tháng 4 vừa qua ở Trung Quốc, Ấn Độ đã vắng mặt và đây là lần thứ hai. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng New Delhi có quan ngại đối với dự án này.

Các chuyên gia đánh giá Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác về những vấn đề chung lợi ích như thương mại, đặc biệt ở thời điểm xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Hà Linh/Báo Tin tức