11:23 22/11/2011

Quân đội và các chính đảng Ai Cập đối thoại dân tộc

Ngày 22/11, một ngày sau khi nội các Ai Cập đệ đơn từ chức, chính quyền quân sự và các lực lượng chính trị tại nước này đã chính thức khởi động tiến trình đối thoại dân tộc nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Ngày 22/11, một ngày sau khi nội các Ai Cập đệ đơn từ chức, chính quyền quân sự và các lực lượng chính trị tại nước này đã chính thức khởi động tiến trình đối thoại dân tộc nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Hãng tin chính thức MENA dẫn lời Người phát ngôn chính phủ Mohamed Hijazi cho biết, chính phủ Ai Cập tối 21/11 đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang (CSFA), vì tình hình khó khăn mà đất nước đang phải trải qua. Chính phủ của Thủ tướng Essam Sharaf sẽ tiếp tục đảm nhiệm toàn bộ trách nhiệm cho tới khi đề nghị từ chức được CSFA quyết định.

Hiện CSFA - lực lượng nắm quyền điều hành đất nước - chưa chấp thuận đơn từ chức của chính phủ, song thừa nhận Ai Cập đang trong giai đoạn khủng hoảng. CSFA kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị trong nước đối thoại để tìm ra giải pháp.

Tổ chức "Anh em Hồi giáo" - lực lượng đối lập có tổ chức chặt chẽ nhất ở Ai Cập - xác nhận có tham gia đối thoại cùng với bốn chính đảng và 4 ứng cử viên tổng thống, trong đó có cựu Chủ tịch Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa. Trong tuyên bố trước đó, Tổng Thư ký đảng Tự do và Công lý của tổ chức "Anh em Hồi giáo", ông Saad al-Katany cho rằng, tình hình tại Ai Cập rất căng thẳng, Ai Cập cần tiến hành bầu cử theo hạn định vào ngày 28/11 tới, đồng thời trao quyền điều hành đất nước cho chính phủ dân sự thay vì chính quyền quân sự như hiện nay. Ông Katany cũng cho biết, tổ chức "Anh em Hồi giáo" sẽ thúc ép thành lập thời gian biểu cụ thể cho quá trình chuyển giao quyền lực, chậm nhất vào giữa năm 2012.

Theo kế hoạch, Ai Cập sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 28/11 để bầu ra quốc hội mới gồm 100 thành viên. Sau đó, cơ quan lập pháp này sẽ có thời hạn 6 tháng để soạn thảo hiến pháp mới, đưa ra trưng cầu dân ý và chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Do vậy, chính phủ của Thủ tướng Sharaf có thể sẽ tiếp tục đảm nhiệm trách nhiệm lãnh đạo đất nước cho tới cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013.

Trong khi đó, chiều 22/11, hàng nghìn người vẫn tụ tập tại quảng trường Tahir ở trung tâm Cairô để yêu cầu CSFA trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại và nhiều tỉnh, thành trên cả nước những ngày qua trong 4 ngày qua đã khiến 36 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị thương.

Phản ứng trước các diễn biến mới nhất tại Ai Cập, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lấy làm tiếc trước những thương vong lớn trong ba ngày qua. Tổng Thư ký AL, ông Nabil Arabi kêu gọi các phe phái chính trị tại Ai Cập kiềm chế và trở lại tiến trình chuyển tiếp dân chủ trong hòa bình. Mỹ cũng bày tỏ "thực sự lo ngại" về tình trạng bạo lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Anh và Bộ Quốc phòng Canađa kêu gọi CSFA tôn trọng cam kết giám sát cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Trong khi đó, 140 quan chức Bộ Ngoại giao và các ngoại giao đoàn của Ai Cập ở nước ngoài lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực trong nước.

Thanh Bình (P/v TTXVN tại Ai Cập)