04:07 19/04/2020

Quân đội Trung Quốc đặt niềm tin và hy vọng vào mạng 6G

Trung Quốc đã thảo luận về việc sử dụng công nghệ viễn thông 6G để hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này.

Chú thích ảnh
Quân đội Trung Quốc đang để mắt tới mạng 6G. Ảnh: AFP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết quân đội Trung Quốc ấp ủ kế hoạch này ở thời điểm vẫn trong giai đoạn đầu triển khai mạng 5G và mạng 6G mới chỉ tồn tại về mặt lý thuyết.

Ngày 13/4, trang China National Defence News của quân đội Trung Quốc đăng bài viết có tiêu đề “Nếu 6G được sử dụng trong chiến trường tương lai”. Bài viết này nêu rằng nếu so sánh với 5G thì 6G có tiềm năng to lớn đối với các ứng dụng quân sự.

Trong bài viết có đoạn: “Nếu công nghệ 6G được giới thiệu cho quân đội, chắc chắn sẽ có tác động lớn đến hoạt động quân sự như phát triển vũ khí, triển khai quân và liên lạc trong chiến trận. Thúc đẩy dần mạng 6G trong quân sự là một trong những mục tiêu chính của quân đội Trung Quốc để thích nghi với thay đổi trong tương lai”.

Thuật ngữ 5G, 6G liên quan tới mạng di động không dây thế thệ thứ 5 và thứ 6. Trong khi 5G có tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp 10 lần 4G thì 6G được kỳ vọng có thể đạt tốc độ gấp 10 lần 5G.

Trung Quốc chính thức khởi động mạng 5G từ tháng 11/2019. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng 6G có thể sử dụng từ 2030. Bài viết trên trang China National Defence News cũng đề cập rằng lợi ích của 6G không chỉ dừng lại ở tốc độ đường truyền. Quân đội Trung Quốc có chiếm ưu thế về thu thập thông tin tình báo, hoạt động chiến đấu và hỗ trợ hậu cần chính xác.

Theo đó, nhờ mạng 6G, các chỉ huy có thể đưa ra quyết định nhanh chóng sau khi khai thác, phân tích dữ liệu từ trận địa. China National Defence News còn cho biết các đơn vị chiến đấu có thể nhận thông tin chính xác cao và kịp thời về vị trí quân địch và vũ khí đối phương.

Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết nước này đã khởi động nghiên cứu công nghệ mạng 6G từ đầu tháng 11/2019. Bộ trên có 2 nhóm nhận trách nhiệm nghiên cứu 6G. Một nhóm gồm các cơ quan chính phủ trong khi đội còn lại gồm 37 chuyên gia từ các trường đại học, tập đoàn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Wang Xi thừa nhận hiện chưa rõ mạng 6G có thể áp dụng với phương pháp nào nhưng Bắc Kinh đánh giá cao tầm quan trọng của nghiên cứu và phát triển công nghệ đồng thời mong muốn có thể tạo đột phá.

Chú thích ảnh
Trung Quốc đã khởi động mạng 5G từ tháng 11/2019. Ảnh: SCMP

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất nghiên cứu mạng không dây 6G. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 2/2019 nói rằng ông muốn “có công nghệ mạng 5G và thậm chí 6G tại Mỹ càng sớm càng tốt”. Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc đua nghiên cứu mạng 6G và trong tháng 1 đã tuyên bố kế hoạch.

Nhà nghiên cứu quốc phòng Timothy Heath tại Rand Corporation (Mỹ) nhận định rằng mặc dù Trung Quốc có kế hoạch tham vọng nhưng lại mang nhiều rủi ro khi muốn đạt được nhiều thứ ở cùng một thời điểm.

Ông Timothy Heath nói: “Quân đội Trung Quốc vẫn đang xây dựng tổ chức hiện đại và phối hợp sau nhiều thập niên thiếu kỹ năng và công nghệ lạc hậu. Nhưng sẽ có nhiều khó khăn để kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng và đào tạo nhân lực”.

Nhà phân tích Yang Zi tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đánh giá rằng công nghệ mới đóng vai trò động lực trong hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ở thời điểm Bắc Kinh đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển với mục tiêu vượt qua Washington.

Ông Yang Zi nói: “Chúng ta chứng kiến Trung Quốc đạt nhiều tiến triển trong trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, công nghệ chấm lượng tử, tự động và siêu máy tính. Nhưng Mỹ vẫn giữ vị trí tiên phong trong công nghệ mới”.

Hà Linh/Báo Tin tức