02:12 24/02/2021

Quân đội tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

Có thể khẳng định việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên đã lên đường làm nhiệm vụ

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết: Từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Trụ sở LHQ New York (Hoa Kỳ). Được LHQ đánh giá cao, dự luận trong nước và quốc tế ủng hộ.

Năm 2020, ba sĩ quan của Cục GGHB Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kỳ thi tuyển LHQ để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của LHQ, tại New York (Hoa Kỳ) và sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ GGHB LHQ và quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Cộng hòa Trung Phi.

Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 53 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2). Kết quả thực hiện nhiệm vụ của BVDC2 được Chỉ huy Phái bộ và LHQ đánh giá cao. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động GGHB và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký LHQ tại New York gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế.

Hiện nay BVDC2.2 cũng đang hoạt động rất hiệu quả và tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. LHQ cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc tham gia hoạt động GGHB LHQ là đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình BVDC2 và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ theo tinh thần cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do LHQ đưa ra. Hiện tại Việt Nam đang chuẩn bị đội công binh gồm hơn 300 người để sẵn sang triển khai trong năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định: Con số gần 180 lượt cán bộ, sĩ quan làm nhiệm vụ GGHB mang một giá trị biểu tượng rất lớn về hình ảnh của một Việt Nam đổi mới, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam tích cực tham gia và đóng góp cho hoạt động GGHB LHQ góp phần khẳng định đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của Đảng và Nhà nước, phản ánh rõ nét sự đổi mới quan trọng về tư duy trong hội nhập quốc tế và đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng thông qua hoạt động này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các mục tiêu và tôn chỉ của LHQ, các nguyên tắc cơ bản của hoạt động GGHB LHQ, góp phần kiến tạo và xây dựng hòa bình bền vững.

Nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn và đối tác qua trọng, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ, qua đó mở rộng nội hàm và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác của ta với các nước.  

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 huấn luyện kỹ năng phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB LHQ

Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng GGHB LHQ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Để triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, toàn diện, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã có Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB LHQ với mục tiêu là xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ nhằm bảo đảm triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Theo Kế hoạch, các bộ, ngành theo chức năng quản lý thực hiện kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp hoặc trái với quy định của Nghị quyết, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ, ban hành văn bản thay thế đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp Nghị quyết; gửi kết quả kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng, an ninh về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 130/2020/QH14. Đồng thời, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện biên soạn tài liệu; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về việc Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ; tổ chức tập huấn Nghị quyết cho cán bộ chủ trì bộ, ngành trung ương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết…

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, việc Quân đội nhân dân Việt Nam chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào GGHB LHQ đã bước đầu đạt được các mục tiêu đề ra trong đề án tổng thể, đó là: Góp phần nâng cao vị trí và tiếng nói của ta trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế; từ đó tạo thêm điều kiện thuận lợi để thúc đẩy với các nước và đối tác. Đề cao hơn nữa uy tín của lực lượng vũ trang Việt Nam, góp phần tang cường hợp tác quốc tế về an ninh - quốc phòng. Phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược và thêm các thông tin, tri thức khác cho các lực lượng chức năng của ta, nâng cao trình độ của các cán bộ trong các lĩnh vực khác tham gia GGHQ LHQ. Đồng thời, tranh thủ hỗ trợ của quốc tế cho công tác đào tạo, đầu tư, hiện đại hóa một số cơ sở vật chất, trang thiết bị của ta.

Viết Tôn/Báo Tin tức