11:16 23/11/2022

Quân đội Mỹ và Ấn Độ tập trận trên dãy Himalaya

Quân nhân Mỹ đã đặt chân đến Ấn Độ trong tháng 11 này để tham gia cuộc tập trận trên dãy Himalaya cùng binh sĩ địa phương trong điều kiện thời tiết lạnh giá.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận Yudh Abhyas tại Alaska năm 2021. Ảnh: US Air Force

Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết cuộc tập trận này mang tên Yudh Abhyas, được tổ chức quanh thị trấn Auli thuộc bang Uttarakhand.

Yudh Abhyas được tổ chức luân phiên tại Mỹ và Ấn Độ kể từ đầu những năm 2000. Năm 2021, Yudh Abhyas được tổ chức tại Alaska. Binh sĩ Mỹ đến Ấn Độ tham gia Yudh Abhyas năm nay là thành viên của sư đoàn không vận số 11 đóng quân ở Alaska.

Tướng Charles Flynn, lãnh đạo lực lượng Thái Bình Dương của Lục quân Mỹ chia sẻ hồi tháng 10: “Năm 2021, quân đội Ấn Độ đã đề nghị chúng tôi tham gia huấn luyện tại độ cao 3.000 km trên dãy Himalaya. Và hiện tại chúng tôi có một lực lượng có khả năng sẵn sàng nói: Vâng, chúng tôi sẽ ở đó”.

Theo truyền thông Ấn Độ, cuộc tập trận kéo dài 2 tuần sẽ tập trung vào hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn và mọi hoạt động liên quan đến gìn giữ hòa bình và thực thi hòa bình. Ngoài ra, Yudh Abhyas năm nay còn bao gồm huấn luyện thực địa, huấn luyện chiến đấu trên núi, chống máy bay không người lái…

Cuộc tập trận ban đầu được lên lịch tổ chức vào tháng 10 nhưng sau đó bị trì hoãn và khởi động từ ngày 19/11. Dưới đây là video về buổi khai mạc cuộc tập trận (nguồn: Icorps)

Năm nay, Yudh Abyhas được tổ chức tại địa điểm chỉ cách Đường Ranh giới thực tế (LAC) 96 km. LAC là đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ được thiết lập sau cuộc đụng độ năm 1962.

Cuộc tập trận này phản ánh mối quan hệ gắn kết hơn giữa Mỹ và Ấn Độ, đặc biệt về lĩnh vực quốc phòng. Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, ông Taranjit Singh Sandhu cho biết: “Việc làm sâu sắc mối quan hệ quốc phòng và chiến lược song phương là vô cùng quan trọng”.

Trong giai đoạn năm 2002 - 2020, quân đội Mỹ và Ấn Độ đã ký 4 thỏa thuận tạo điều kiện mở rộng hợp tác trong liên lạc, hậu cần và chia sẻ thông tin mật.

Ông Arzan Tarapore, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford đánh giá: “Cuộc tập trận càng phức tạp và thực tế thì họ càng có thái độ tốt hơn phối hợp với nhau trong tình huống thực và để ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng. Đó là mục tiêu của mối quan hệ quân sự”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Business Insider)