12:06 02/12/2014

Quân đội kế thừa, phát triển tư tưởng quân sự dân tộc

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, báo Tin Tức lược trích bài viết của Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam với nhan đề: "Quân đội nhân dân Việt Nam sản phẩm của sự kế thừa, phát triển tư tưởng quân sự dân tộc trong thời đại mới".

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, báo Tin Tức lược trích bài viết của Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam với nhan đề: "Quân đội nhân dân Việt Nam sản phẩm của sự kế thừa, phát triển tư tưởng quân sự dân tộc trong thời đại mới".

Tiếp thu truyền thống “tận dân vi binh” của dân tộc, vận dụng sáng tạo học thuyết quân sự mác xít về vũ trang quần chúng và xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, ngay trong Luận cương chính trị năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “vũ trang cho công nông”, “tổ chức ra quân đội công nông”. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, trên cơ sở phong trào chính trị quần chúng phát triển rộng khắp, Đảng từng bước xây dựng các đội tự vệ, du kích, từ đó lựa chọn những người ưu tú, các quần chúng tích cực để tổ chức ra đội quân chủ lực đầu tiên, từng bước phát triển, làm nòng cốt để phát triển lực lượng vũ trang rộng khắp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại Lễ mừng chiến thắng ngay tại mặt trận, trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đơn vị lập công và tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu.


Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược từ 1945 đến 1975, tư tưởng về tổ chức lực lượng vũ trang đã được kế thừa, phát triển, nâng cao về chất trong tổ chức ba thứ quân. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân. Bộ đội chủ lực thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường cả nước; trên mỗi vùng chiến lược hoặc địa bàn mỗi quân khu, tiến hành các trận đánh, chiến dịch lớn, làm chuyển biến cục diện chiến trường. Bộ đội địa phương góp phần tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân, đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, bảo vệ địa phương; căng kéo lực lượng địch, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực cơ động đánh lớn. Dân quân du kích, tự vệ là tổ chức vũ trang của quần chúng cách mạng; là “bức tường sắt của Tổ quốc”. Ba thứ quân có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Cách tổ chức ba thứ quân thể hiện đậm nét tính nhân dân của lực lượng vũ trang do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, lãnh đạo. Thành công trong việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nòng cốt là quân đội nhân dân; là cơ sở quan trọng để Đảng phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh.

Trong lịch sử, dân tộc ta đã giải quyết “việc binh” rất sáng tạo với quan điểm “Quân cốt tinh, không cốt nhiều”.

Để có được đội quân “cốt tinh, không cốt nhiều” ấy nhà Trần đặc biệt chú trọng xây dựng tinh thần “Sát Thát”, sẵn sàng hy sinh vì nước. Lê Lợi - Nguyễn Trãi thực hiện “Vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài, sửa rèn binh giới, luyện tập binh tượng, dạy bảo phép ngồi đứng tiến lui, lại hun đúc những điều nhân nghĩa” nên đã xây dựng được đội ngũ tướng lĩnh “hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người dưới”, “dám bỏ mình báo nước”. Vua Lê Thánh Tông đặc biệt coi trọng giáo dục tướng sĩ phải làm tròn bổn phận “trên vì vua, dưới vì dân, cáng đáng trách nhiệm yên nguy của xã tắc”. Quang Trung động viên tướng sĩ noi gương các vị anh hùng dân tộc, quyết tâm đánh giặc giữ nước với ý chí “đánh là thắng”.

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân, mang trong mình khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc về một nền độc lập, tự do; về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là bản chất và trở thành truyền thống của quân đội ta, biểu hiện cả trong chiến đấu, công tác, lao động sản xuất và làm nghĩa vụ quốc tế. Bất cứ việc gì mang lợi ích cho dân thì quân đội hết sức làm, bất cứ việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Sức mạnh của quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó yếu tố chính trị - tinh thần là cơ bản nhất. Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, Đảng từng bước phát triển hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội; coi công tác đảng, công tác chính trị là “linh hồn, mạch sống” của quân đội; giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa con người và vũ khí; chăm lo củng cố, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội; tích cực giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, tình hình và nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội; giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng lòng yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, kiên trì con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn…

Lý luận và thực tiễn xây dựng quân đội đã khẳng định, chỉ có chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị - tinh thần thì quân đội mới thực sự là công cụ bạo lực vũ trang; lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, hoàn thành tốt chức năng và mọi nhiệm vụ được giao.

Nét nổi bật trong xây dựng quân đội của dân tộc ta là hết sức coi trọng kỷ luật quân đội, xây dựng tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữa đội ngũ tướng lĩnh với binh sĩ, giữa binh sĩ với nhau; thực hiện đoàn kết quân dân.

Kế thừa truyền thống đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng tinh thần dân chủ, kỷ luật, đoàn kết cho bộ đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, đề cao kỷ luật trên cơ sở tự giác, “kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật”. Phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ với chiến sĩ; cán bộ phải quan tâm chăm sóc và đồng cam cộng khổ với chiến sĩ. Cán bộ phải thương yêu chiến sĩ. “Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành” (1). Đoàn kết nội bộ quân đội là yếu tố tạo thành sức mạnh và là nguồn gốc mọi chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thấm nhuần sâu sắc truyền thống dân tộc “nước lấy dân làm gốc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò, vị trí của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, cội nguồn sức mạnh của các lực lượng vũ trang. Quân với dân như “cá với nước” chính là hình ảnh khái quát từ bản chất và trên thực tế mối quan hệ gắn bó máu thịt quân - dân.