06:11 06/06/2011

Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân (tiếp theo)

- Người cán bộ trực tiếp thi hành pháp luật phải thật sự công tâm và nghiêm minh. Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ làm công tác tư pháp - những người đại diện cho “cán cân công lý” có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật.

- Người cán bộ trực tiếp thi hành pháp luật phải thật sự công tâm và nghiêm minh. Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ làm công tác tư pháp - những người đại diện cho “cán cân công lý” có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2/1948, Người căn dặn: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc… Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”[11]. Tiếp đó, vào năm 1950, trong bài nói chuyện tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp, Người lại yêu cầu họ trong công tác xử án là: “Phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng” [12]. Hồ Chí Minh cũng chính là tấm gương sáng, mẫu mực trong việc thực thi pháp luật.

Riêng đối với những ai cố tình lợi dụng chức vụ và quyền hạn để vi phạm pháp luật hoặc xử lý không đúng và không nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, Hồ Chí Minh đã kịp thời cảnh báo: “Có cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và của Nhà nước làm những việc trái với chính sách và pháp luật, xâm phạm đến lợi ích vật chất và quyền tự do dân chủ của nhân dân, nhưng cũng chưa bị xử phạt kịp thời... Như vậy là kỷ luật chưa nghiêm”[13]. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nghiêm minh của pháp luật là hết sức rõ ràng và dứt khoát khi Người tuyên bố: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”[14].

Hồ Chí Minh quan niệm pháp luật không phải để trừng trị con người mà chính là công cụ hữu hiệu để bảo vệ và thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp luật của Người không chỉ là đề cao pháp luật dân chủ mà còn mang đậm tính nhân văn cao cả, thể hiện tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho hạnh phúc, ấm no của nhân dân; thấm đẫm tình nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc ta. Vì thế có thể nói pháp quyền Hồ Chí Minh là pháp quyền đặc biệt, pháp quyền nhân nghĩa…

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, đạo đức chính là cơ sở để xây dựng và thực thi pháp luật. Nền pháp quyền của Nhà nước ta là một nền pháp quyền hợp đạo lý và có nhân tính cao. Hồ Chí Minh đã lý giải: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ” [15] .

Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển, việc tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu các giá trị tư tưởng hiện đại của loài người để xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, vấn đề thứ VIII: “Đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” [16] là một trong chín vấn đề lớn được nêu lên trong “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các Văn kiện Đại hội XI của Đảng” do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày tại Đại hội ngày 12/1/2011.

Thực tế cho thấy, ở nước ta việc nhận thức và thực hiện nhà nước pháp quyền của Đảng là một quá trình. Do nhiều lý do chủ quan và khách quan, nên trước những năm 90 của thế kỷ XX, trên bình diện lý luận, chúng ta mới chỉ dùng các khái niệm như “Nhà nước chuyên chính vô sản” hay “Nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Phải đến tận năm 1994, vấn đề nhà nước pháp quyền mới được nêu ra chính thức trong văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[17]. Từ đây, Đảng ta đã nhận thức rất rõ rằng, nhà nước pháp quyền thực ra là một thành tựu vĩ đại của tư tưởng nhân loại; xét về bản chất, không chỉ có một loại nhà nước pháp quyền duy nhất; mà dựa trên cơ sở kinh tế - xã hội, bản chất chế độ xã hội khác nhau, vẫn tồn tại Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Gần đây nhất, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tập trung vào 3 nội dung lớn:

1. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

3. Tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm [18].

Về bản chất của Nhà nước ta, trong Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 (đã được bổ sung và sửa đổi năm 2001) cũng đã khẳng định rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Nếu thực hiện được những nguyên tắc vừa nêu ở trên thì đúng là chúng ta đang tiếp tục quán triệt tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền trong điều kiện và yêu cầu phát triển mới của đất nước…

Một tín hiệu đáng mừng là trước yêu cầu của thực tiễn, trong Báo cáo trình bày tại phiên họp thứ 9, phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII vào cuối tháng 3/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới việc sớm nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi bản Hiến pháp hiện hành, nhằm bảo đảm quyền dân chủ của người dân, tăng cường pháp chế, kỷ luật.

Chúng ta hy vọng rằng, sau khi đạo luật “gốc” là Hiến pháp được bổ sung và sửa đổi, thì những bộ luật và các văn bản pháp quy hiện hành nào mà không thể hiện được tinh thần “của dân, do dân, vì dân” cũng cần nhanh chóng được bổ sung và sửa đổi để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân và Quốc hội thực sự sẽ là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và thực sự đại diện cho tiếng nói của người dân, còn Chính phủ phải thật sự là công bộc của dân. Nếu làm được như vậy thì tất cả chúng ta sẽ không còn cảm thấy hổ thẹn với vong linh của Bác Hồ kính yêu.

-------------------------------
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd.t.5, tr.381-382.
[12] Hồ Chí Minh -Nhà nước và pháp luật Việt Nam . Nxb Pháp lý. Hà Nội, 1990, tr.175.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd.t.11, tr.575.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd.t.5, tr.641.
[15] Hồ Chí Minh - Nhà nước và pháp luật Việt Nam . Nxb Pháp lý. Hà Nội, 1990, tr.174.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.52.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (khoá VII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.56.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.52-56.