04:15 15/04/2021

Quan chức tình báo lo ngại hệ quả khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

Hôm 14/4, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns cảnh báo khả năng thu thập thông tin tình báo của Mỹ và việc chống lại các mối đe dọa cực đoan sẽ giảm đi sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Chú thích ảnh
Giám đốc CIA William Burns lo ngại mất thông tin tình báo khi Mỹ rút quân khỏi Afghanista. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, ông William Burns đã nêu bật rủi ro quan trọng vốn có trong quyết định của Tổng thống Joe Biden, khi rút tất cả các lực lượng còn lại của Mỹ ở Afghanistan, bất chấp sự hiện hữu của tổ chức khủng bố al-Qaeda và các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS).

“Vào thời điểm quân đội Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, khả năng thu thập thông tin và hành động của Chính phủ Mỹ đối với các mối đe dọa sẽ giảm sút. Đơn giản đó là sự thật”, ông Burns, cựu Thứ trưởng ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, người đã đảm nhận chức vụ Giám đốc CIA hồi tháng trước, nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu CIA cũng cho biết thêm rằng Chính phủ Mỹ có khả năng sẽ giữ lại một số bộ phận sau khi rút quân, nhằm giúp đưa ra những dự đoán tình báo và chống lại các nỗ lực nhằm khôi phục lại tổ chức khủng bố al-Qaeda.  

Cảnh báo của ông Burns phản ánh mối lo ngại của nhiều chuyên gia rằng việc rút quân sẽ khiến các sĩ quan tình báo Mỹ mất an ninh hơn đáng kể, hạn chế khả năng thu thập thông tin kịp thời của họ.  

“Ở cái nhìn bao quát, việc giám sát các mối đe dọa của Mỹ sẽ giảm đáng kể để có thể tiến hành các biện pháp ngăn chặn. Chính quyền Washington sẽ không còn có thể hợp tác trực tiếp với các lực lượng an ninh Afghanistan nữa”, bà Lisa Curtis cựu cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về Afghanistan thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, nhận định.

Bà Curtis cũng đặt câu hỏi về việc các lực lượng chống khủng bố của Mỹ sẽ được bố trí lại ở khu vực nào ngoài Afghanistan, với lý do "lịch sử khó khăn" đã đặt lực lượng Mỹ tại "các địa điểm thích hợp nhất" là Pakistan và Uzbekistan.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ bước ra ngoài căn cứ tại tỉnh Uruzgan, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ vẫn sẽ giám sát các mối đe dọa khủng bố, tổ chức lại các lực lượng chống khủng bố và giữ lại tài sản đáng kể trong khu vực để đối phó với các mối đe dọa từ Afghanistan sau khi rút quân. 

Ông Marc Polymeropoulos, cựu sĩ quan hàng đầu của CIA từng phục vụ tại Afghanistan, cho biết các cơ quan tình báo thường dựa vào quân đội Mỹ để nhận được hỗ trợ quan trọng như đảm bảo an ninh và sơ tán y tế. Ông lo ngại nếu quân đội Mỹ rút khỏi đây, cộng đồng tình báo sẽ ở lại như thế nào.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ rút 2.500 binh sĩ Mỹ cuối cùng khỏi Afghanistan trước ngày 11/9, kỷ niệm 20 năm ngày al Qaeda tấn công khủng bố Mỹ và mở ra cuộc chiến lâu nhất của nước này.

Quyết định của Tổng thống Biden cho thấy rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ không còn mang tính quyết định trong việc đạt được hòa bình lâu dài ở Afghanistan, một giả định cốt lõi mà Lầu Năm Góc lấy làm nền tảng để triển khai quân đội Mỹ tại đây.

Một báo cáo của Liên Hợp quốc hồi tháng 1 cho biết hiện còn tới 500 tay súng khủng bố al Qaeda ở Afghanistan. Đồng thời, Taliban cũng đang duy trì mối quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố này. Tuy nhiên, Taliban phủ nhận cáo buộc này và tuyên bố rằng không hề có bất kỳ thành viên al-Qaeda còn hoạt động tại Afghanistan.

 
Hải Vân/Báo Tin tức