Ngày 4/1, theo hãng tin RT, trong bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại Baltimore, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Richmond, ông Tom Barkin đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát gia tăng trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức.
Ông Tom Barkin nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh, song cũng đối mặt với áp lực lạm phát đáng kể nếu thị trường lao động duy trì ổn định và tiền lương tiếp tục tăng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond chỉ rõ hiện nay tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng tiền lương ổn định, đồng thời lưu ý rằng người tiêu dùng bắt đầu phản ứng tiêu cực trước tình trạng giá cả leo thang, có thể dẫn đến những biến động trong động lực lạm phát. Ông cho rằng có nhiều rủi ro hơn về phía lạm phát, đặc biệt nếu thị trường lao động tiếp tục mạnh lên.
Bất chấp cam kết của ông Trump về việc kiểm soát lạm phát, một số nhà kinh tế bày tỏ lo ngại rằng các chính sách của ông, đặc biệt là kế hoạch tăng thuế quan và siết chặt nhập cư có thể làm tăng chi phí sản xuất và tiêu dùng. Nhập cư được xem là yếu tố quan trọng giúp mở rộng lực lượng lao động và duy trì tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những năm qua. Trong khi đó, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada - một động thái có thể gây áp lực lên chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa trong nước.
Số liệu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy Mexico, Trung Quốc và Canada là ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Việc áp đặt thuế quan cao hơn đối với các quốc gia này có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, đẩy giá hàng hóa trong nước lên cao và gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Trước cuộc bầu cử, khảo sát của AP VoteCast cho thấy khoảng 70% cử tri Mỹ đặc biệt lo ngại về tình trạng giá thực phẩm tăng cao. Trong khi đó, ông Trump từng cam kết sẽ giảm chi phí tiêu dùng, nhưng các biện pháp thuế quan có thể khiến giá cả leo thang thay vì giảm xuống.
Fed cũng đang điều chỉnh kỳ vọng chính sách tiền tệ để thích ứng với khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng. Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây xác nhận rằng các quan chức đang tích hợp những dự báo sơ bộ về tác động kinh tế của chương trình nghị sự mới. Tháng trước, Fed đã giảm mục tiêu lãi suất xuống 4,25-4,50% và thận trọng hơn trong kế hoạch cắt giảm lãi suất vào năm 2025 nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát kéo dài.
Ngoài ra, Thống đốc Fed Adriana Kugler cũng bày tỏ quan ngại về khả năng chính sách thương mại của ông Trump có thể gây ra những tác động khôn lường trước đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt nếu các quốc gia khác thực hiện các biện pháp trả đũa kinh tế. Bà Adriana Kugler nhấn mạnh rằng Fed đang xem xét nhiều kịch bản để ứng phó với các biến động kinh tế có thể xảy ra.
Dù vẫn chưa rõ ông Trump sẽ triển khai chính sách kinh tế theo hướng nào, ông Barkin lưu ý rằng sự bất ổn trong điều hành có thể khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư do dự. Ông nhấn mạnh rằng nếu nền kinh tế Mỹ suy giảm đột ngột, một số chính sách có thể bị điều chỉnh hoặc hủy bỏ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực. Fed hiện có đủ công cụ để can thiệp nếu thị trường lao động suy yếu hoặc lạm phát gia tăng trở lại.
Với những diễn biến mới, giới quan sát tiếp tục theo dõi chặt chẽ các động thái của chính quyền Trump cũng như phản ứng từ Fed trong thời gian tới.