01:14 03/01/2019

'Quân bài' bức tường biên giới - biểu tượng của chính sách 'Nước Mỹ trước tiên'

Đề cập đến việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, một trong những vấn đề gây tranh cãi khiến chính phủ liên bang của Mỹ phải đóng cửa một phần, giới phân tích cho rằng đây là một biểu tượng mang nhiều sắc thái cảm tính đối với nền tảng chính trị của Tổng thống Donald Trump.

Chú thích ảnh
Đoàn xe của Tổng thống Mỹ Donald Trump thị sát khu vực bức tường biên giới với Mexico tại San Diego, California. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Sputnik ngày 2/1, Viện trưởng Viện Chính sách toàn cầu, Giáo sư Paolo von Schirach  đã cho rằng: "Bức tường này chưa và không bao giờ nằm trong kế hoạch an ninh biên giới được cân nhắc thấu đáo và một cách có hệ thống nhằm ngăn chặn, hoặc ít nhất là hạn chế người nhập cư bất hợp pháp". Đối với ông Trump và những người ủng hộ ông, bức tường biên giới với Mexico đã và đang là biểu tượng của chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mà ông từng tuyên bố trong quá trình tranh cử.

Giáo sư Paolo von Schirach nêu rõ việc xây dựng bức tường tại một khu vực biên giới là biểu trưng cho "sự cứng rắn hơn" trong một thế giới thù địch để bảo vệ các lợi ích căn bản của nước Mỹ. Ông nhấn mạnh: "Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ đưa bức tường này trở thành một vấn đề cốt lõi, một biểu tượng trong chương trình nghị sự của mình."

Bất chấp thương lượng đổ vỡ, ngày 2/1, Tổng thống Trump đăng dòng tweet cho hay ông vẫn sẵn sàng đạt được thỏa thuận chi tiêu với phe Dân chủ và hối thúc cả hai bên phối hợp với nhau.

Phó Giáo sư Kinh tế Barry Friedman, từng làm việc tại Đại học Brown University (Mỹ), bày tỏ hy vọng rằng ông Trump và các nghị sĩ Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ sẽ vẫn cân nhắc các phương án và thỏa hiệp về bức tường này cũng như vấn đề chi tiêu chính phủ để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ hiện nay.

Ông Barry Friedman phân tích: "Quốc hội Mỹ có thể nhất trí về các chính sách để hạn chế di cư bất hợp pháp và sàng lọc kỹ hơn đối với người tị nạn, đồng thời đưa ra những hạn chế đối với người di cư bất hợp pháp. Nếu đạt được, với Tổng thống Trump, đây sẽ là một chiến thắng trong việc mặc cả và mối đe dọa khi xây bức tường này chỉ là một quân bài mặc cả đắt đỏ, vốn có thể không cần thiết."

Kinh phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico đã trở thành nguyên nhân khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa mâu thuẫn. Trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ không chấp thuận cấp 5,6 tỷ USD để xây bức tường biên giới như đề nghị của Tổng thống Trump, thì ông chủ Nhà Trắng lại tuyên bố sẽ không ký ban hành việc cấp ngân sách cho chính phủ liên bang cho đến khi đề nghị của ông được đáp ứng.

Nhà Trắng đã cáo buộc phe Dân chủ "công khai lựa chọn tiếp tục đóng cửa chính phủ để bảo vệ những người di cư bất hợp pháp, hơn là người dân Mỹ" và tuyên bố Tổng thống Trump "sẽ không ký vào một đề xuất, vốn không đặt an ninh và an toàn của nước Mỹ lên ưu tiên hàng đầu".

Trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ vẫn đang tranh cãi về kinh phí xây bức tường biên giới, ước tính khoảng 800.000 nhân viên công vụ tiếp tục phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc trong tình trạng không được trả lương.

Việc đóng cửa một phần chính phủ đã chặn ngân sách cấp cho 9 bộ cùng hàng chục cơ quan, trong đó có Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Mỹ, và Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA). Tuy nhiên, một số cơ quan gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Cục Điều tra liên bang (FBI), lực lượng biên phòng, cảnh sát biển vẫn hoạt động bình thường.

Tại New York, tượng Nữ thần Tự do vẫn mở cửa đón khách tham quan nhờ tài trợ ngân sách của bang. Bưu điện Mỹ vẫn hoạt động bình thường bởi đây là một cơ quan độc lập.

Phương Hoa (TTXVN)