01:06 13/01/2018

Quà vặt giá rẻ ngày ngày 'neo bám' các cổng trường, mang ẩn hoạ mầm bệnh

Chỉ với khoảng 20.000 đồng là các em nhỏ đã có thể lấp đầy bụng bằng nhiều loại đồ ăn vặt được bày bán tràn lan ngoài cổng trường. Thế nhưng, “thiên đường đồ ăn” giá siêu rẻ này đều ẩn chứa mối nguy hại vì mất vệ sinh và không rõ nguồn gốc.

Kém vệ sinh


Tầm 17 giờ, trước cổng trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) đã có 5, 6 xe hàng rong đậu lại từ bao giờ, sẵn sàng phục vụ học sinh chuẩn bị tan trường. Trên xe đều là những món rất được các em học sinh yêu thích như: Nem chua rán, tôm viên, cá viên, đủ loại nước giải khát, các loại bánh, kẹo có hình thù, màu sắc sặc với giá cực rẻ, chỉ từ 2.000 – 5.000 đồng. Nước chanh đá bào, trà sữa, nước ngọt siro xanh, đỏ chỉ có giá từ 3.000 - 10.000 đồng/cốc. Những gói gà cay, tăm cay, kẹo hồ lô, bim bim cay, thịt hổ (!?) cũng chỉ có giá cực rẻ… từ 1.000 - 5.000 đồng/gói.


Ngoài những “quầy” đồ ăn di động này, các cửa hàng bán đồ ăn vặt quanh cổng trường THCS Bế Văn Đàn cũng đã rục rịch rán trước khoai tây, nem rán, phomai que… để chuẩn bị phục vụ các bạn nhỏ.


Sau tiếng trồng trường báo hiệu tan học, các em học sinh ùa ra, ríu rít bên những xe hàng bán đồ ăn vặt. Ai nấy đều ăn thật ngon lành, không giấu được vẻ thích thú đầy hồn nhiên. Khi được hỏi tại sao lại yêu thích những món ăn ngoài cổng trường đến vậy, một em nhỏ học sinh tíu tít trả lời với lí do vì ăn rất ngon, hơn nữa, ăn cùng các bạn lại càng vui hơn.


Đây cũng là hình ảnh quen thuộc tại những ngôi trường ở Hà Nội: Tiểu học Nam Thành Công, Tiểu học Nghĩa Tân, THCS Nghĩa Tân, Tiểu học Láng Thượng, THCS Láng Thượng, THCS Đống Đa, THCS Giảng Võ, THPT Lê Quý Đôn, THPT Kim Liên, THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT Việt Đức...


Điều đáng nói, các que xiên rán được bày bán ở những xe hàng đều được lấy ra từ trong những bao bì tự đóng gói không rõ của công ty nào hay đến từ đâu. Xem kỹ bao bì, những gói bim bim hay bò khô giá rẻ hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc, không có thành phần hay hạn sử dụng rõ ràng.

Các loại quà vặt, thực phẩm này là đều được bày bán, chế biến ngay lề đường khói bụi, thiếu vệ sinh và nguyên liệu thì không rõ nguồn gốc. Những món ăn vặt này đều không có một cơ quan thẩm quyền nào giám sát hay kiểm định chất lượng, càng không có một cơ sở nào để đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những que xiên rán này là món ăn khoái khẩu của nhiều em học sinh.

Nói riêng về món khoái khẩu của các em học sinh, xúc xích và nem chua được bán rong đều không có nguồn gốc rõ ràng. Dầu dùng để chiên rán thường là dầu chiên đi chiên lại nhiều lần cho đến khi chuyển màu đen kịt, loại dầu chiên lại này sẽ tạo thành axit béo dạng xấu (trans fat) gây khó tiêu, đầy bụng. Không chỉ thế, tương ớt dùng để chấm cùng với những món chiên rán này đều là loại tương ớt không tên tuổi, được đựng trong chiếc can lớn cáu bẩn.


Chưa kể đến, trong những đồ ăn đó đều sử dụng chất bảo quản, chất này khi vào ruột sẽ phản ứng tạo thành chất gây ung thư nitrosamine ở ruột. Ăn nhiều xúc xích, nem chua rán có thể dẫn đến béo phì, mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt, nếu ăn nhiều trong thời gian dài, các chất độc có thể tích tụ lại, gây nên bệnh ung thư, thậm chí tử vong...


Dù độc hại nhưng vẫn tồn tại bình thường


Theo thống kê của Cục ATTP gần đây, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên toàn quốc thì 3,2 - 5,7% tổng số vụ là do thức ăn đường phố, nhiều nơi xảy ra đến 2 - 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên cùng một địa bàn. Hiện nay, việc kiểm tra an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng hiện mới chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn. Việc kiểm tra ở trường học thường chỉ tập trung vào bếp ăn, căng-tin - những địa điểm nằm trong khuôn khổ của nhà trường. Vậy nên, các quán ăn, xe hàng di động, gánh hàng rong trước cổng trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để. Thi thoảng mới có một đợt kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt, sau kiểm tra xử phạt, các hàng, quán mất vệ sinh này lại hoạt động trở lại như trước.


Mặc dù theo Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y Tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có hiệu lực từ ngày 20/1/2013, nhưng đến nay khi tìm đến các quán bán đồ ăn trước cổng trường hầu như không có cơ sở nào đảm bảo có khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống đảm bảo vệ sinh; phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại; có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, hay để tìm được ng­ười kinh doanh thức ăn đường phố đã được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định thì càng khó khăn.


Ngoài việc kiểm tra an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, việc xóa bỏ “thiên đường quà vặt” quanh trường học cần nhiều hơn sự quan tâm từ cả phía nhà trường và gia đình. Nhà trường nên tuyên truyền và giáo dục ý thức cho học sinh về thực phẩm bẩn, trôi nổi, không rõ nguồn gốc; đồng thời phối hợp với địa phương để kiểm tra các địa điểm kinh doanh ngay ngoài cổng trường. Nguy cơ nhiễm bệnh từ thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh là vô cùng lớn, các bậc phụ huynh nên quan tâm, nhắc nhở, hướng dẫn con em mình nói không với các loại bánh kẹo, thực phẩm bẩn, trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Kiều Hà/ Báo Tin tức