12:06 27/12/2014

“Quả táo nhỏ”, hiện tượng chưa thể lớn của Trung Quốc

Từ các công viên ở thủ đô Bắc Kinh cho đến các tòa nhà chọc trời ở thành phố Thượng Hải, trong các công xưởng ở Quảng Châu cho đến các phòng hát karaoke ở Macao (Trung Quốc), mọi người đều ngân nga theo ca từ của “Quả táo nhỏ”, một bài hát đã trở thành hiện tượng tại quốc gia châu Á này.

Từ các công viên ở thủ đô Bắc Kinh cho đến các tòa nhà chọc trời ở thành phố Thượng Hải, trong các công xưởng ở Quảng Châu cho đến các phòng hát karaoke ở Macao (Trung Quốc), mọi người đều ngân nga theo ca từ của “Quả táo nhỏ”, một bài hát đã trở thành hiện tượng tại quốc gia châu Á này.

Ca khúc đã trở thành “hit” - “Quả táo nhỏ” - là sản phẩm của nhóm nhạc có cái tên “Chopsticks Brothers” gồm hai thành viên là Xiao Yang và Wang Taili, dù cả hai đều không phải là anh em lẫn nhạc sĩ. Mục đích ban đầu của “Quả táo nhỏ” là nhằm quảng bá cho một bộ phim hài Trung Quốc ra mắt hồi tháng 7 vừa qua do chính Xiao Yang và Wang Taili làm đạo diễn kiêm diễn viên. Tuy nhiên, đứa con tinh thần “Quả táo nhỏ” của họ đã mang lại thành công ngoài mong đợi và chứng minh là một ca khúc gây nghiện với những thính giả “chẳng may” nghe thấy giai điệu của nó. “Bài hát này rất dễ hát theo, nhịp ở mức cơ bản và lặp lại. Cả những người phụ nữ lớn tuổi ở các khu công viên cũng học theo bài hát này một cách dễ dàng”, Zeng Quimei, một giám đốc marketing ở tỉnh Tứ Xuyên nói.

Hai nghệ sĩ Xiao Yang và Wang Taili trên sân khấu American Music Awards 2014 tại Los Angeles, Mỹ.


Bản video đi cùng phần nhạc của “Quả táo nhỏ” với nội dung lạ mắt, đề cập đến những vấn đề đời thường như chuyện một ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng cho đến những chuyện thần tiên trong Vườn Địa đàng, cùng những hoạt cảnh sử dụng các loại phục trang từ Âu đến Á, đã thu hút được hơn 50 triệu lượt xem trên các trang chia sẻ video của Trung Quốc như Sohu, iQiyi và Youku.

Việc được mọi người đón nhận rộng rãi đã giúp “Quả táo nhỏ” xuất hiện trên khắp Trung Quốc, dưới hình thức là những bản nhạc chuông điện thoại cho đến việc được phát ở các trung tâm mua sắm, hộp đêm và phòng tập thể hình. Trong khi quân đội ở thành phố Tây An sử dụng bài hát này vào một đoạn video tuyển quân, thì cảnh sát ở tỉnh Sơn Đông hồi tháng 9 cũng đã sửa phần lời của ca khúc này để sử dụng trong một cảnh phát trên truyền hình nhằm tuyên truyền về việc lừa đảo tiền qua dịch vụ ngân hàng điện thoại. Chưa dừng lại ở đó, “Quả táo nhỏ” còn lọt mắt xanh của nhiều nhóm đối tượng khác như tiếp viên hàng không, đội cổ vũ, chiến sĩ cứu hỏa và sinh viên...

Mặc dù có độ phủ sóng “khủng” trên khắp Trung Quốc, song “Quả táo nhỏ” được đánh giá ít có cơ hội trở thành hiện tượng thế giới như ca khúc “Gangnam Style”, bản “hit” đình đám năm 2012 của nghệ sỹ Psy đến từ quốc gia láng giềng Hàn Quốc, sản phẩm đã thu hút hơn 2,1 tỉ lượt xem trên trang chia sẻ video YouTube. So với bậc tiền bối, video của nhóm “Chopsticks Brothers” trên YouTube chỉ thu hút được vỏn vẹn 3 triệu lượt xem trong bối cảnh trang chia sẻ video khổng lồ của thế giới này không được phép hoạt động ở Trung Quốc vì chính sách kiểm soát Internet của chính phủ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, một lí do khiến “Quả táo nhỏ” khó có thể thành công trên thế giới là vì thiếu các yếu tố “phương Tây hóa” từng giúp Psy mang tên tuổi của mình ra thị trường âm nhạc thế giới. Không như K - pop đã lan tỏa ảnh hưởng và càn quét qua các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản cũng như thu hút được sự chú ý vượt ra ngoài tầm châu lục, nhạc pop của Trung Quốc vẫn chỉ hoạt động mạnh trong đường biên giới nước này. Theo nhà phê bình âm nhạc Trung Quốc Hao Fang, “Trung Quốc không tập trung vào việc phát triển văn hóa và ngành công nghiệp sáng tạo” theo cách mà Hàn Quốc thực hiện. Ông Hao Fang đánh giá, những bài hát của Trung Quốc được trình bày theo phong cách lỗi thời. Và “Quả táo nhỏ” không phải là một ngoại lệ, với thứ âm nhạc được nghe thấy ở nước này từ những thập niên 80 và 90 của thế kỉ trước. Đây là nguyên nhân khiến nó khó cạnh tranh với nhạc pop đương đại của thế giới.

Anh Minh (ASI/AFP)