08:12 04/08/2022

Quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 2: Bát nháo taxi làm giá, chèo kéo khách

Tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đã kéo theo hệ lụy chèo kéo khách, làm giá và sự bát nháo của taxi khi người dân sử dụng dịch vụ tại đây.

Chú thích ảnh
Trong thời gian cao điểm hè, sân bay Tân Sơn Nhất bình quân mỗi ngày khai thác 700 - 750 chuyến bay, với lượng khách vượt 100.000 lượt/ngày.

Chê khách ở gần,"chặt chém" khách ở xa

Từ rất lâu, nhiều người dân phản ánh rằng, khi xuống máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, gọi xe về nhà là nỗi ám ảnh, đặc biệt với những người có nhà ở gần sân bay.

Chị Nguyễn Thu Nguyệt, ngụ quận Tân Bình cho biết, tình trạng lái xe từ chối hoặc "chặt chém" là chuyện thường tình khi chị bắt xe taxi từ sân bay Tân Sơn Nhất để về nhà. Do nhà gần sân bay, chị Nguyệt cũng thường xuyên không đặt được xe để về nhà khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

"Lái xe sau khi nghe địa chỉ cần đến là từ chối ngay tức khắc, hoặc khi đã lỡ leo lên xe thì lái xe cằn nhằn suốt chặng đường về hoặc đề nghị cho thêm tiền. Bởi vậy, mỗi khi đi công tác về, tôi thường phải đi bộ ra đường Trường Sơn một quãng xa mới đặt xe về nhà", chị Thu Nguyệt than thở.

Chú thích ảnh
Hành khách "rồng rắn" xếp hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Tương tự, anh Lương Ngọc Minh, ngụ ở quận Thủ Đức cho biết: “Từ nhà tôi đi taxi lên sân bay chỉ mất 198.000 đồng, nhưng với chiều từ sân bay về, nhiều lái xe taxi ở sân bay báo giá 450.000 đồng. Khi được hỏi vì sao giá lại khác nhau như vậy khi trên cùng một cung đường, lái xe taxi giải thích là xe đi từ sân bay chỉ đi theo chuyến, không đi theo đồng hồ tính cước. Cũng vì trời đã tối, khu vực khó bắt xe taxi và cũng đang vội về nên tôi đành "bấm bụng" đồng ý đi".

Không chỉ khó đặt xe taxi công nghệ, ngay cả với taxi truyền thống, nhiều hành khách cũng phản ánh tình trạng không đặt được xe khi biết lộ trình khách đi gần. Chị Lê Thị Trà My (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, chị vừa có chuyến bay xuống Tân Sơn Nhất và được lái xe báo cước là 400.000 đồng cho quãng đường 6 km. Thấy giá quá vô lý, chị quyết định đi xe buýt ở sân bay về nhà chỉ hết 12.000 đồng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, ông vừa có chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi máy bay hạ cánh, ông gọi xe hợp đồng ở khu vực Ga quốc nội để về khách sạn trên đường Hoàng Văn Thụ (nơi diễn ra cuộc họp) với quãng đường khoảng 3km và được lái xe "hét" giá 180.000 đồng.

Có thật sự thiếu xe?

Theo thống kê của Trung tâm an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng đã phát hiện và xử lý 301 trường hợp vi phạm do chào mời, chèo kéo khách gây mất trật tự, nhất là xe taxi "dù", xe công nghệ, taxi truyền thống và xe hợp đồng.

Đại diện Trung tâm an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, có nhiều trường hợp khách phản ánh đồng hồ tính tiền trên taxi truyền thống chỉ 100.000 đồng nhưng lái xe yêu cầu khách trả 270.000 đồng; hay trường hợp khác đồng hồ hiển thị 188.000 đồng nhưng lái xe đòi trả tới 388.000 đồng… Những trường hợp này, khách phản ánh và đơn vị đã lập biên bản ghi nhận. Sau khi tra soát camera lấy bằng chứng để xử lý, nhưng rất khó triệt để.

Ngoài ra, vì phải chờ đợi xe quá lâu, hành khách cũng đành chấp nhận bị "làm giá" để được về nhà sớm và không khai báo nên đơn vị cũng không thể giải quyết kịp thời. Vì vậy, trong thời gian tới, hy vọng người dân khi phát hiện tình trạng làm giá, chèo kéo, chặt chém... có thể báo ngay cho Trung tâm để xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng đến hình ảnh của một sân bay lớn.

Chú thích ảnh
Tại sân bay Tân Sơn Nhất có 12 hãng taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ đón khách. Lượng xe này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến của hành khách.

Theo các chuyên gia lĩnh vực giao thông, một trong những nguyên nhân của tình trạng hành khách bị chèn ép, làm giá hoặc "chặt chém" ở sân bay Tân Sơn Nhất khi đi taxi truyền thống hoặc gọi xe công nghệ là do việc thiếu xe phục vụ. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác khoảng 115.000 lượt hành khách với khoảng 700 chuyến bay, chưa kể lượng người thân đưa đón, vì vậy mới dẫn đến tình trạng thiếu taxi. Ngoài ra, hiện nay, hạ tầng để phân làn đón khách trong sân bay cũng chưa được bảo đảm, do đó các loại xe khi vào đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất gặp khó khăn, dễ gây ùn tắc cục bộ tại các điểm đón xe.

Theo đó, vào thời điểm cùng một lúc nhiều máy bay hạ cánh, nhu cầu đi xe tăng cao kéo theo tình trạng hành khách phải chen lấn, tranh giành taxi và khi đó cũng dễ bị lái xe ép giá, "làm giá" hoặc từ chối phục vụ khi đi gần. Cũng vì chờ đợi quá lâu mới có xe nên một số khách đã chấp nhận bị "làm giá" hoặc đi xe "dù", xe ôm bên ngoài sân bay thay vì đặt xe ở bên trong. Những điều trên càng khiến cho tình trạng lộn xộn ở khu vực bên trong và bên ngoài sân bay diễn ra, nhất là vào các giờ cao điểm hành khách đi/đến sân bay. 

Tương tự, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng cho biết, hiện có 12 hãng xe taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ đón khách tại sân bay. Theo tính toán của đơn vị, có khoảng 15% khách có nhu cầu bắt xe. Tuy nhiên thời gian qua vì thiếu xe nên hành khách mất nhiều thời gian chờ đợi, gây tình trạng ùn tắc cục bộ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy, nếu có 42.000 khách đến/ngày thì cần 6.300 lượt xe đón khách, còn tăng lên 60.000 khách/ngày thì cần 9.000 lượt xe mới đáp ứng nhu cầu.

"Để đảm bảo lượng xe đón và dẹp nạn chèo kéo khách, sân bay đã làm biên bản thống nhất trong các dịp cao điểm yêu cầu các hãng xe cung cấp đầy đủ số lượng xe để phục vụ. Tuy nhiên, việc khó bắt xe vẫn chưa khắc phục, trong đó có trách nhiệm của nhà khai thác sân bay, nhà chức trách cấp phép, giám sát các hoạt động vận tải tại sân bay, nhà để xe TCP...", vị đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết thêm.

Bài cuối: Nhiều giải pháp để giữ "bộ mặt" thành phố

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức