10:09 25/10/2022

Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Ngăn chặn tình trạng ‘tham nhũng vặt’

Việc quá tải công việc của cán bộ cơ sở khiến tồn đọng nhiều hồ sơ hành chính ở các lĩnh vực tư pháp, đất đai, môi trường… nên người dân, doanh nghiệp đã “đi đêm”, “ bôi trơn”, “lót tay” để các thủ tục hành chính được "ưu tiên" giải quyết nhanh hơn.

Chú thích ảnh
Với những công trình sửa chữa nhà ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, người dân thường chấp nhận mất chi phí "lót tay", "bôi trơn" để có được giấy phép sớm.

"Bôi trơn" để được ưu tiên

Mới đây, chị P.M.Ng. (ngụ quận Bình Thạnh) đi làm giấy tờ chuyển nhượng quyền sở hữu một căn hộ mà chị được người thân tặng cho tại thành phố Thủ Đức. Sau 2 lần đến nộp hồ sơ tại UBND thành phố Thủ Đức, cán bộ hành chính quận dù hướng dẫn chị nhiệt tình nhưng hồ sơ của chị Ng. vẫn thiếu những giấy tờ cần thiết. Đến lần thứ 3, chị Ng. quyết định gửi phí "bôi trơn" để một cán bộ hành chính có thể "giúp đỡ" chị hoàn thành các thủ tục liên quan đến các giấy tờ nhà đất của mình. Đến lần thứ 4 này, tất cả hồ sơ của chị Ng. mới được tiếp nhận và không phải quay lại bổ sung giấy tờ như những lần trước nữa. 

“Lần đầu tiên tôi đi làm các thủ tục sang tên nhà đất mà cán bộ hướng dẫn đủ các loại giấy tờ, nhưng mỗi lần hẹn lại thiếu một số thứ. Tôi đành chấp nhận gửi phí “bôi trơn” cho một cán bộ để họ hướng dẫn và thậm chí làm thay mình các công đoạn khai báo giấy tờ thủ tục theo đúng quy định của nhà nước”, chị Ng. cho biết.

Lĩnh vực thường xảy ra tình trạng "tham nhũng vặt” là liên quan đến đất đai, môi trường, tư pháp… Cụ thể, trong lĩnh vực nhà đất, người dân thường xuyên gặp phải nội dung “cần bổ sung hồ sơ” khi lên nộp hồ sơ tại các văn phòng đăng kí đất đai của thành phố. Vì phải nhiều lần bổ sung hồ sơ nên người dân vừa mất thời gian và... nản, nên để cho nhanh và tránh các phiền toái nảy sinh, không còn cách nào khác, người dân đành phải... “lót tay”, đành phải “chung chi” và chấp nhận bỏ phí “bôi trơn”.

Chú thích ảnh
Người dân chờ làm các thủ tục hành chính tại phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức. 

Bà Nguyễn Thị Nở, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức cho biết, có tình trạng một số cán bộ nhận tiền “lót tay” của người dân để được "ưu tiên" xử lý công việc sớm. "Đó chính là những người đang thực hiện hành vi “tham nhũng vặt” và một khi gọi là “tham nhũng vặt” tức là mức độ tham nhũng đang còn nhẹ, ít người “soi”, ít bị xử lý. Chính vì tâm lý đó nên các cán bộ biến chất có cơ hội tồn tại và thậm chí phát triển ở một số địa phương. Tuy nhiên, chính những cán bộ biến chất này đã và đang biến mình thành những “con sâu” ngày ngày đục khoét vào niềm tin của người dân, vào chính quyền, Đảng và Nhà nước", bà Nguyễn Thị Nở nhận xét. 

Theo bà Nguyễn Thị Nở, vấn nạn phí “bôi trơn” chỉ có thể chấm dứt khi mà mọi thứ trở nên minh bạch, người vi phạm nếu bị phát hiện bị xử lý nghiêm minh, không có bao che, xuê xoa chỉ vì... “tham nhũng vặt ấy mà". Đối với người dân, cũng cần kiên quyết đấu tranh để chống lại tiêu cực, "tham nhũng vặt" để các cán bộ không có cơ hội nhận phí “lót tay”; phí “ bôi trơn” khi làm các thủ tục hành chính. Đối với cấp lãnh đạo cũng cần làm gương và tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra để cán bộ cấp dưới không có cơ hội nhận phí "bôi trơn", phí "lót tay" khi xử lý các thủ tục hành chính cho người dân. 

Kiểm soát chặt cán bộ 

Vừa qua, tại quận Tân Bình đã xảy ra trường hợp công chức Phòng Quản lý đô thị quận có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, vụ lợi trong quá trình thu nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Hiện nay, nhân sự này đã bị lãnh đạo quận cho thôi nhiệm vụ. Mới đây, tại quận Gò Vấp cũng đã xảy ra tình trạng một cán bộ ngành công an nhận phí để làm nhanh căn cước công dân cho người dân. Ngay sau đó, cán bộ này đã bị xử lý nghiêm để tăng tính răn đe cho các cán bộ, công chức khác không lạm dụng chức quyền để đòi chi phí "lót tay" của người dân. 

Ông Nguyễn Tùng Khương, Trưởng Phòng Nội vụ quận Tân Bình cho biết: “Do đặc thù công tác quản lý đô thị dễ phát sinh tiêu cực, thời gian qua, UBND quận Tân Bình rất chú trọng đến việc chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để góp phần ngăn ngừa tiêu cực. Đối với các trường hợp đều được phân loại, những người công tác từ 3 - 5 năm ở một vị trí thì căn cứ theo Nghị định 158 để luân chuyển, còn những người có dư luận “đồn tiếng” thì luân chuyển ngay. Vì vậy, nhiều năm trước, năm nào đội ngũ cán bộ cũng có người bị kỷ luật vì liên quan đến tình trạng lợi dụng chức vụ để vụ lợi. Nhưng từ khi thực hiện việc luân chuyển cán bộ đến nay tình trạng này đã được kéo giảm. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay chưa có trường hợp cán bộ nào bị kỷ luật vì tình trạng lợi dụng chức vụ để trục lợi khi xử lý các lĩnh vực hành chính”.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng ở TP Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, do TP Hồ Chí Minh có quy mô dân số, kinh tế lớn nhất cả nước nên nhu cầu về giao dịch hành chính, kinh tế, xã hội có khối lượng rất lớn. Mặt khác, với khối lượng công việc rất nhiều, tình trạng "tham nhũng vặt" vẫn còn tiềm ẩn phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc hành chính đã và đang được chỉ đạo giải quyết quyết liệt, song vẫn còn một số tồn tại, chưa có chuyến biến mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân cần kiên quyết chống lại các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu khi làm các thủ tục hành chính.

Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng và hạch sách người dân, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP đặc biệt quan tâm và luôn xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tố quốc. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, UBND TP Hồ Chí Minh đã chủ động rà soát, nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm, vị trí công tác. Các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi vị trí công tác, trong đó chú ý chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp như: cán bộ hành chính - tư pháp; cán bộ, công chức, viên chức ngành kế toán, thủ quỹ, thanh tra xây dựng, địa chính - nhà đất, thủ kho; cán bộ, công chức, viên chức phụ trách kế toán, tài chính tại các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục...

Vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhiều trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức ở các chức danh như: cán bộ tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất, y tế, thủ kho thuộc các ngành hải quan, thanh tra nhà nước, thanh tra xây dựng. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt, TP Hồ Chí Minh đã lập đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận phản ánh hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân (qua số 088.247.247 và hộp thư duongdaynong@tphcm.gov.vn).

"Việc luân chuyển cán bộ cần xuất phát từ mục đích ngăn ngừa việc công tác ở một vị trí quá lâu sẽ hình thành nên đường dây, chân rết. Đặc biệt là ở các vị trí dễ nảy sinh tiêu cực. Đây là chủ trương đúng, rất hữu hiệu mà các nước trên thế giới cũng đang làm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải mềm dẻo, khoa học, linh hoạt và có kiểm soát tốt, tránh việc lợi dụng chủ trương này để trù dập cán bộ, hoặc chạy chức chạy quyền", TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết.

Bài cuối: Giải pháp tránh hệ luỵ

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức