05:18 23/05/2019

Quá lo ngại về số lượng tôm càng đỏ nhập lậu vào Việt Nam

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), đại diện đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản cho biết, trong tháng 5, tỉnh Lào Cai đã bắt giữ 950kg tôm càng đỏ. Điều ông Hùng lo ngại là con số nhập lậu loại tôm ngoại lai này vào Việt Nam thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Chú thích ảnh
 Tôm càng đỏ nhập lậu vào tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Được biết, từ ngày 21/5, đoàn công tác của Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cùng các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đi kiểm tra khu vực biên giới và bàn giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn tôm càng đỏ vào địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo ông Hùng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành, vì thế phải có sự chỉ đạo đồng bộ. Trước tiên, để ngăn chặn loài tôm này xâm nhập vào Việt Nam, cần phải tăng cường lực lượng kiểm soát việc nhập lậu qua biên giới, tăng cường kiểm soát tại các chợ, xây dựng kế hoạch kiểm soát và diệt trừ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về cách phân biệt và tác hại của loài này với môi trường để người dân không sử dụng; tuyên truyền cho các nhà hàng, quán ăn không dùng loài tôm này chế biến món ăn…

Đối với tôm càng đỏ, theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai có hại, ăn tạp, sống bò dưới đất, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Loài thủy sinh này không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và việc kinh doanh tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi đến các tỉnh, thành, cử đoàn giám sát xuống địa phương, nhất là những nơi giáp biên giới Trung Quốc để ngăn chặn, xử lý việc buôn bán loại sinh vật này.

Cũng theo ông Hùng, loài tôm càng đỏ đã từng được nghiên cứu, nuôi thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2002 nhưng do tính chất hung dữ của nó nên đã bị cấm nuôi. Chỉ cần phát tán ra ngoài môi trường sẽ đe dọa phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất; nên cần có biện pháp ngăn chặn, diệt trừ. Năm 2017, một số hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp đã lén lút nuôi để xuất sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tiêu hủy và xử lý nghiêm.

Đối với loài tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất), năm 2006 loài này cũng được nhập về Việt Nam từ Trung Quốc để nuôi thử nghiệm diện hẹp. Năm 2008, Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài khoa học về loài tôm này, nuôi thử nghiệm tại 3 tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam. Tuy nhiên, kết quả cho thấy loài tôm này mặc dù có giá trị kinh tế nhưng ăn tạp và có tập tính đào hang sâu, nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp nên việc nuôi loài tôm này dừng tại đó.

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, tôm càng đỏ là sinh vật ngoại lai mới du nhập vào Việt Nam, rất phàm ăn và còn đào hang, phá công trình thuỷ lợi, gây nguy cơ sạt lở; trong khi hiệu quả kinh tế thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam có khoảng 100 sinh vật ngoại lai như cây mai dương, ốc bươu vàng, gần đây là tôm càng đỏ (tôm hùm đất)... Các cơ quan chức năng đang đặt mục tiêu đến năm 2020, bằng mọi giải pháp để giảm một nửa số sinh vật ngoại lai đó.

Tôm càng đỏ có nguồn gốc từ Australia sau đó lan ra nhiều quốc gia. Loài tôm này có kích thước lớn, vỏ cứng, nhẵn bóng, có màu xanh rêu điểm một số vạch màu đỏ trên lưng.

Loài này có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau, từ vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt. Loài này thường ẩn nấp trong các hang hốc, rễ cây thủy sinh lớn ven bờ. Chúng là loài ăn tạp, thức ăn gồm các loại thực vật, động vật, mùn bã hữu cơ, đôi khi có thể ăn thịt lẫn nhau. Tôm càng đỏ có thể đào hang sâu tới 2m, phá hủy kênh mương, thủy lợi nên được xếp vào 100 loài nguy hiểm nhất trên thế giới.

Tôm hùm nước ngọt là loài có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, sau đó phát triển ra nhiều khu vực. Loài này có màu đỏ sẫm, sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm, chúng có thể đào hang trú ẩn sâu từ 1 -2m, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn. Đây là động vật ăn tạp thiên về thực vật, thức ăn bao gồm mùn bã hữu cơ, chế phẩm của ngũ cốc; cỏ, rong, tảo, ấu trùng động vật đáy, động vật thủy sinh…

Tôm hùm đất được xác định là loài xâm hại nguy hiểm, chúng nhanh chóng thiết lập quần đàn trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống; xâm lấn ảnh hưởng đến loài bản địa; lây bệnh dịch; làm giảm nguồn lợi thủy sản.

Do thích đào hang sâu nên có thể làm hỏng hệ thống tưới tiêu, đê bao, hồ chứa, kênh mương, phá hoại lúa, chúng có thể cắt lúa khi chúng đi qua.
Lê Sơn/Báo Tin tức