09:10 14/09/2012

QE3- lực đẩy mới cho kinh tế Mỹ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tung ra gói kích thích mới thường được biết đến với tên gọi QE3 đang được thị trường hết sức kỳ vọng khi kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 13/9 trong nỗ lực củng cố và thúc đẩy đà phục hồi còn mong manh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tung ra gói kích thích mới thường được biết đến với tên gọi QE3 đang được thị trường hết sức kỳ vọng khi kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 13/9 trong nỗ lực củng cố và thúc đẩy đà phục hồi còn mong manh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán New York ngày 13/9. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Theo đó, ngay từ ngày 14/9 FED sẽ khởi động chiến dịch mới mua lại các trái phiếu có liên quan tới thế chấp. Trong tháng 9 này, FED dự kiến tung ra 23 tỷ USD và sau đó mỗi tháng sẽ tung ra 40 tỷ USD để mua trái phiếu. Tối thiểu từ nay đến cuối năm FED sẽ tung thêm khoảng 85 tỷ USD vào thị trường. Mục tiêu của FED là tiếp tục giữ tỷ lệ lãi suất ở mức gần như bằng 0% cho tới giữa năm 2015 thay vì cuối năm 2014 như kế hoạch trước đây. Bằng việc tiếp tục giữ mức lãi suất siêu thấp này, FED hy vọng sẽ kích thích chi tiêu tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện cho các công ty tuyển thêm công nhân nhằm cải thiện thị trường lao động vẫn còn đang khá căng thẳng hiện nay và vực dậy thị trường nhà đất đang èo uột. Phát biểu cách đây hai tuần, Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke, thừa nhận tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 8% là "đáng quan ngại".

 

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 FED đã hai lần tung vào thị trường tổng cộng khoảng 2.300 tỷ USD để kích thích đà phục hồi kinh tế. Nhưng không như 2 đợt QE trước, lần này FED không đặt ra thời hạn chót cho các giao dịch mua trái phiếu mới, mà chỉ nhắc lại rằng nếu thị trường lao động trong nước "không cải thiện đáng kể" Ngân hàng sẽ mua thêm chứng khoán thế chấp mua nhà và các tài sản khác, đồng thời "sử dụng các công cụ chính sách khác" để thúc đẩy nền kinh tế.

 

FED cũng dự kiến các biện pháp làm giảm áp lực tài chính như trên "sẽ vẫn phù hợp với tình hình trong một thời gian dài đáng kể", ngay cả sau khi nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ hơn.

 

Thông báo của FED đã ngay lập tức làm giới đầu tư thêm phấn khích, khiến họ không ngần ngại đổ tiền ra mua tài sản, tạo ra một đợt sóng mới trên các thị trường từ hàng hóa cho tới chứng khoán. Cụ thể là giá vàng (vốn được coi là công cụ chống lạm phát) đã leo lên mức cao nhất trong 7 tháng qua (1.772 USD/ounce). Thị trường dầu mỏ cũng "nóng" hơn với giá dầu Brent được đà vọt lên mức cao mới trong 4 tháng qua là 116,90 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc là 98,96 USD/thùng. Còn tại Phố Uôn các chỉ số chứng khoán chủ chốt đồng loạt tăng hơn 1% giá trị, trong đó chỉ số Dow Jones và S& P 500 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2007 (13.539,86 điểm và 1.459,99 điểm) trong khi chỉ số Nasdaq chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2000 (3.155,83 điểm).

 

Tuy nhiên, phe Cộng hòa lại cho rằng động thái của FED chỉ mang tính chính trị nhằm tạo lợi thế cho ông Barack Obama trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 6/11. Ông Lanhee Chen, người đứng đầu Ủy ban vận động của Phe Cộng hòa tại Thượng viện, lập luận rằng đã tới lúc chính quyền Obama thay đổi chính sách. Ông nói: " Chúng ta nên tạo ra của cải, chứ không phải là in đồng USD".

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Braxin Guido Mantega cho biết nước này sẽ theo dõi sát sao tác động của gói kích thích kinh tế mới của FED đối với đồng nội tệ real. Trước đó vị Bộ trưởng này cáo buộc FED từng mua trái phiếu nhằm làm giảm giá đồng USD một cách thiếu công bằng.

 

Trong một thông tin khác liên quan tới tình hình tài chính, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong 11 tháng đầu tiên trong tài khóa 2012 (kết thúc vào tháng 9/2012), thâm hụt ngân sách của chính phủ nước này đã lên tới mức 1.160 tỷ USD. Đây là năm thứ tư liên tiếp thâm hụt ngân sách của Mỹ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD và cũng là bằng chứng mới cho thấy sức ép tài chính ngày càng gia tăng của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

 

 

Hùng -Hà