09:22 14/09/2012

QE3: Kẻ cười người mếu

Đúng như những gì Báo Tin tức đã nhận định trong loạt bài “QE3 đã cận kề” bắt đầu đăng tải từ ngày 9/6/2012, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không thể không thực hiện chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3).

tt

 



QE3 làm dấy lên lo ngại về sự lan tràn của đồng USD.

Nhu cầu lấp chỗ trống về thanh khoản, thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu vào năm 2015, tạo thêm công ăn việc làm, tránh lặp lại tiền lệ biểu hiện kinh tế đầu năm tốt, cuối năm xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới… là những động cơ được giới phân tích quốc tế cho là đã thúc đẩy FED đưa ra QE3. Tuy nhiên, QE3 không phải là “phép màu” mang đến hạnh phúc cho tất cả mọi người.


Theo thông báo của FED, QE3 có hiệu lực từ ngày 14/9 và trong thời gian còn lại của tháng 9, FED dự kiến sẽ tung ra 23 tỉ USD, sau đó mỗi tháng sử dụng 40 tỉ USD, để mua chứng khoán thế chấp bằng bất động sản (Mortgage backed securities - MBS) tới khi triển vọng của thị trường lao động phục hồi một cách bền vững. Bên cạnh đó, FED còn quyết định không nâng lãi suất thấp kỉ lục gần bằng “0” như hiện nay cho tới giữa năm 2015 thay vì cam kết thực hiện tới cuối năm 2014 như trước đây. Ngoài ra, FED cũng tiếp tục chương trình hoán đổi trái phiếu ngắn hạn thành trái phiếu dài hạn (Operation Twist, QE2.5).


So với QE1, QE2 và QE2.5, QE3 đã có sự thay đổi quan trọng, đó là việc chương trình mua MBS lần này của FED gắn trực tiếp với các điều kiện của nền kinh tế, nói cách khác: QE3 không có kỳ hạn rõ ràng. Từ một chương trình mua MBS, QE phiên bản 3 đã trở thành cam kết hành động cho đến khi nền kinh tế tốt lên. Dù nhiều nhà đầu tư cho rằng quyết định lần này của FED thậm chí còn mạnh hơn những gì họ dự đoán, nhưng rõ ràng đằng sau sự mạnh mẽ ấy ẩn chứa sự lo lắng lớn của FED đối với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và câu hỏi chưa có câu trả lời là “khi nào kinh tế Mỹ tốt lên?”.


Dẫu vậy, QE3 ra đời đã đáp ứng được sự mong chờ bấy lâu của thị trường chứng khoán cũng như các nhà đầu tư kim loại quý. Tiếp nối đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ vào đêm 13/9, chứng khoán toàn cầu phiên cuối tuần 14/9 cũng bừng tỉnh. Có những thị trường chứng khoán như Hồng Công (Trung Quốc) thậm chí còn tăng tới gần 2,9% ngay khi mở cửa. Giá vàng, dù đã đón lõng tin FED tung ra QE3, vẫn tiếp tục nới rộng đà tăng của phiên trước sau khi thông tin chính thức trên được công bố.


Có thể nói, QE3 đã làm dấy lên hi vọng và củng cố niềm tin vào tương lai kinh tế Mỹ tương tự như những gì FED đã tạo ra trong những ngày đen tối của năm 2008. Hiện nay, lãi suất ngắn hạn ở Mỹ gần về mức 0%, nhưng vẫn khó tạo ra sức hấp dẫn với người đi vay bởi rủi ro thị trường vẫn cao. Do đó, việc FED tiếp tục mua MBS sẽ giảm bớt rủi ro cho ngân hàng, kích thích ngành nghề liên quan hồi phục, tạo việc làm. Nhưng phải thấy rằng trong 3 năm qua, tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại Mỹ tăng với tốc độ 22%/năm, nhưng lượng cung tiền theo nghĩa rộng (tiền M2) lại tăng trưởng chưa tới 6%. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ truyền thống đã không còn tác dụng.


Bên cạnh đó, việc duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài sẽ làm tổn hại tới lợi ích của quỹ hưu trí và tạo ra sự bất bình đẳng đối với những người gửi tiền duy trì cuộc sống bằng lãi suất tiền gửi. Nói một cách khác, QE3 còn có vai trò phân phối thu nhập, chuyển thu nhập rẻ mạt của người gửi tiền sang tay ngân hàng và các nhà đầu tư. Kết quả là sẽ làm gia tăng lượng tiền nóng đầu tư theo kiểu “đánh nhanh rút gọn”, tạo điều kiện cho lạm phát tăng cao trở lại, cuối cùng sẽ kích thích giá tài sản tăng lên, không có lợi cho sự bền vững của nền kinh tế của Mỹ.


Đối với thế giới, đặc biệt là châu Á, hai lần thực hiện QE trước, FED đã chịu rất nhiều chỉ trích từ công luận. Bởi việc FED thực hiện QE đã làm đồng USD lan tràn, tạo ra bong bóng tài sản. Nhưng trong lần thực hiện QE3 này của FED, lo ngại đối với tác động tiêu cực của nó dường như dịu bớt. Đó là do thời gian thực hiện QE1 và QE2 vào 2 và 3 năm trước, kinh tế Trung Quốc và kinh tế các nước Đông Nam Á đang hưng thịnh, nên đã có một lượng tiền lớn thoát ra từ QE1 và QE2 chảy vào châu Á. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, tăng trưởng kinh tế châu Á đã hạ nhiệt và vấn đề cần quan tâm hơn đối với các nước châu Á hiện nay là sự phát triển của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và khi nào thì kinh tế Trung Quốc chạm đáy.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)