Theo lộ trình của Chính phủ và định hướng mới nhất của Bộ Công Thương, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ bắt buộc sử dụng xăng sinh học E10 trên toàn quốc và thị trường sẽ không còn các loại xăng khoáng như hiện nay.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Cao Hoài Dương-Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)-doanh nghiệp Nhà nước chiếm thị phần xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam về kế hoạch sản xuất kinh doanh để thích ứng với chủ trương chuyển dịch nhằm góp phần hiện thực cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Bán xăng sinh học E5RON92 tại cửa hàng xăng dầu của PVOIL phố Thái Thịnh, Quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN
Từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ bắt buộc sử dụng xăng sinh học E10 trên toàn quốc và thị trường sẽ không còn các loại xăng khoáng như hiện nay. Vậy PVOIL đã có kế hoạch cụ thể gì để thích ứng với chủ trương này?
Ngay từ khi biết có chủ trương triển khai xăng sinh học E10 trên toàn quốc và sẽ không còn xăng khoáng trên thị trường, căn cứ trên nhu cầu nội tại và dự báo nhu cầu thị trường, Ban lãnh đạo PVOIL đã phê duyệt kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa tất cả các hệ thống pha trộn xăng sinh học ở các kho đầu mối, kho trung chuyển, các cơ sở sản xuất của PVOIL để có thể đáp ứng nhu cầu kinh doanh xăng E10 của PVOIL. Bên cạnh đó, PVOIL cũng sẵn sàng pha chế cho các đầu mối nhỏ không muốn đầu tư hệ thống pha trộn xăng sinh học.
Theo đó, đến ngày 1/1/2026, PVOIL sẵn sàng chuyển sang sản xuất và kinh doanh xăng E10 trên toàn hệ thống theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 9 tới đây, PVOIL sẽ triển khai thí điểm bán xăng sinh học E10 tại một số khu vực. Để đảm bảo nguồn Ethanol cho pha chế xăng sinh học E10, PVOIL sẽ mua từ một số nhà máy sản xuất Ethanol ở trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cũng sẽ ban hành tiêu chuẩn xăng sinh học E10 và các doanh nghiệp pha chế xăng E10 như PVOIL sẽ sản xuất sản phẩm dựa trên các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, PVOIL đang tiến hành làm thủ tục chứng nhận hợp quy với các cơ sở pha chế xăng sinh học E10 để chuẩn bị cho việc bán xăng sinh học E10 trên thị trường.
Thực tế là trong một số điều kiện khí hậu và nhiệt độ, xăng pha chế Ethanol có thể bị tách nước (phân lớp). Vậy PVOIL có giải pháp gì để đảm bảo chất lượng xăng sinh học E10 trong quá trình tồn trữ và phân phối?
Thực ra hàm lượng Ethanol trong xăng E5 hay E10 vẫn chưa phải nhiều vì trên thế giới đã có nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Brazil, Mỹ... còn pha chế xăng sinh học E20, thậm chí có nước đã sử dụng xăng sinh học E85, tức là pha trộn tới 85% Ethanol.
Về mặt kỹ thuật, xăng sinh học pha chế Ethanol có thể bị tách nước trong trường hợp xăng pha chế xong bị tồn kho quá lâu hoặc bị lẫn nước, có thể do nước bên ngoài tràn vào bể chứa xăng... Hoặc có trường hợp khách hàng bơm xăng sinh học nhưng không sử dụng xe nhiều tháng thì cũng có thể khiến xăng sinh học trong bình chứa nhiên liệu bị phân lớp.
Để đảm bảo chất lượng xăng E10 không bị tách nước, bên cạnh việc đảm bảo quá trình pha chế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, PVOIL sẽ áp dụng các giải pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm loại bỏ khả năng xăng bị nhiễm lẫn nước trong cả quá trình vận chuyển cũng như tồn chứa nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tận tay khách hàng.
Thái Lan, Indonesia là các quốc gia cũng có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm như Việt Nam, đã từ lâu sử dụng xăng sinh học pha tới 20% Ethanol (E20) trên toàn quốc nhưng thực tế cho thấy xăng sinh học bị tách nước không phải là vấn đề đáng ngại.
PVOIL nhìn nhận như thế nào về hiệu quả của chủ trương bắt buộc sử dụng xăng E10 trên toàn quốc từ ngày 1/1/2026?
Việc Việt Nam bắt buộc sử dụng xăng sinh học E10 trên toàn quốc và không còn sử dụng xăng khoáng trên thị trường sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt hơn về giảm lượng khí thải so với việc chỉ khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5RON92 nhưng vẫn lưu hành đồng thời xăng khoáng RON95 như hiện nay.
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình dừng lưu hành xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa hoàn thiện dự thảo Đề án “Chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh” với mục tiêu chuyển đổi khoảng 400 nghìn xe công nghệ chạy xăng sang xe điện. Vậy PVOIL có kế hoạch gì để thích ứng với các chủ trương chuyển đổi này thưa ông?
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, PVOIL sẽ phối hợp với một số đối tác triển khai việc lắp đặt các trạm sạc xe điện bao gồm xe ô tô điện, xe máy điện tại các cây xăng trong hệ thống của PVOIL. Hiện nay, PVOIL cũng đã phát triển hơn 400 trạm sạc ô tô điện trên toàn quốc và các trạm sạc ô tô điện này của PVOIL cũng có thể sử dụng để sạc xe máy điện.
Bên cạnh đó, PVOIL cũng đang làm việc với một số đối tác về khả năng lắp đặt các tủ đổi pin xe máy điện tại các cây xăng trong hệ thống của PVOIL cho khách hàng. Với lợi ích vừa đảm bảo an toàn cháy nổ, vừa tiết kiệm thời gian cho khách hàng sử dụng xe điện trong việc chờ sạc pin, hình thức tủ đổi pin này đã phát triển hiệu quả tại Đài Loan (Trung Quốc) từ nhiều năm về trước. Hình thức đổi pin như vậy rất tiện lợi, nhanh chóng và không khác gì việc vào trạm xăng để tiếp nhiên liệu. Đặc biệt, hình thức tủ đổi pin như vậy sẽ giúp giảm thiểu việc tự sạc pin tại nhà hoặc tại hầm xe trong điều kiện đường dây điện không đảm bảo quy chuẩn, có thể gây cháy nổ như nhiều người lo ngại hiện nay.
Xin cảm ơn ông!