11:11 28/11/2011

PIGS còn chật vật trong nhiều năm

Sẽ phải mất nhiều năm nữa các nền kinh tế ngoại vi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm Hy Lạp, Aillen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (PIGS) mới có thể phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái bởi tăng trưởng yếu, thất nghiệp cao và thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Sẽ phải mất nhiều năm nữa các nền kinh tế ngoại vi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm Hy Lạp, Aillen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (PIGS) mới có thể phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái bởi tăng trưởng yếu, thất nghiệp cao và thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Kết quả khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về triển vọng kinh tế 4 nước trong năm tới, với Ailen và Tây Ban Nha được dự báo tăng trưởng 0,7% và 0% so với mức giảm 3% đối với Hy Lạp và Bồ Đào Nha do tỷ lệ thất nghiệp hầu không có dấu hiệu giảm xuống mức trung bình trong Eurozone ít nhất là tới năm 2014. Theo nhà kinh tế Ben May từ Capital Economics, cuộc khủng hoảng nợ công thêm căng thẳng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ tác động mạnh tới chi tiêu trong nước và từ đó sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Hy Lạp đang trải qua đợt suy thoái dài nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Nền kinh tế được dự báo sẽ suy giảm năm thứ 5 liên tiếp vào năm 2012 với GDP giảm 3% và chưa thể khôi phục tăng trưởng vào năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục và có khả năng vượt 18% vào năm tới, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên tới 44%. Triển vọng kinh tế Hy Lạp mờ mịt chủ yếu là do chính phủ buộc phải cắt giảm mạnh tiền lương, lương hưu và tăng thuế để đổi lấy cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Bồ Đào Nha đang hướng tới đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970 vào năm tới do chính phủ phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng đầy khắc khổ theo các điều kiện mà IMF và EU đặt ra trong gói cứu trợ 78 tỷ euro năm ngoái. Dự đoán kinh tế Bồ Đào Nha sẽ giảm 1,6% năm nay, 2,9% năm tới. Tuy nhiên, lòng tin của người dân đang rơi xuống đáy, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 12,4%, cao nhất kể từ thập niên 80 của Thế kỷ trước và khan hiếm tín dụng do các ngân hàng giảm bớt cho vay. Lĩnh vực duy nhất có triển vọng là xuất khẩu, nhưng có thể bị tác động bởi cuộc khủng hoảng nợ công có thể lan sang các nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha - thị trường xuất khẩu chủ chốt. Nếu không thực hiện được các mục tiêu ngân sách, Lixbon có thể phải áp dụng thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng, động thái làm kinh tế thụt lùi hơn vào năm tới. Dự đoán thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha sẽ chiếm 4,7% GDP vào năm 2012 và 3,5% GDP vào năm 2013, cao hơn so với các mức 4,5% và 3% mà Chính phủ Bồ Đào Nha đặt ra.

Triển vọng kinh tế của Ailen đã được cải thiện kể từ khi Đablin buộc phải nhận cứu trợ quốc tế và kinh tế được dự đoán sẽ tăng 1,6% năm nay, 0,7% năm tới và 2% vào năm kế tiếp. Nước này cần đạt tốc độ tăng GDP 2,5% trong trung hạn để đảm bảo chịu được núi nợ, được dự tính sẽ lên tới 118% GDP vào năm 2013.

Kinh tế Tây Ban Nha được dự đoán sẽ tăng trưởng 0% vào năm 2012, bi quan hơn dự báo 0,8% mà Chính phủ đưa ra. Triển vọng tăng trưởng khả quan hơn vào năm 2013 với GDP tăng 1,2% và tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 20% nhưng thâm hụt ngân sách sẽ chạm 6,5% GDP năm nay, vượt mục tiêu của chính phủ.

TTXVN/Tin tức