04:23 24/04/2011

Phương Tây sắp tấn công trên bộ vào Libi?

Theo chuyên gia Vladimir Sotnikov thuộc Trung tâm an ninh của Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế và Phân ban Trung Cận Đông thuộc Viện Đông phương học (Viện Hàn lâm khoa học Nga), việc bắt đầu chiến dịch trên bộ của phương Tây ở Libi chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo chuyên gia Vladimir Sotnikov thuộc Trung tâm an ninh của Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế và Phân ban Trung Cận Đông thuộc Viện Đông phương học (Viện Hàn lâm khoa học Nga), việc bắt đầu chiến dịch trên bộ của phương Tây ở Libi chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một người bị thương được điều trị tại bệnh viện Hekma ở Misrata (Libi)ngày 20/4. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Vladimir Sotnikov nhận định: "Hoạt động quân sự trên bộ của phương Tây khó có thể được bắt đầu trong 2, 3 ngày tới mà phải mất ít nhất hàng tuần. Dù sao chăng nữa, Mỹ cũng sẽ “bật đèn xanh” cho chiến dịch trên bộ. Tính chất phức tạp của vấn đề là ở chỗ, có thể thấy sự khác biệt về quan điểm giữa các nhà quân sự Mỹ và những nước Arập khăng khăng muốn bắt đầu chiến dịch quân sự trên bộ để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy cùng với liên quân Tây Âu. Theo tôi, người Mỹ sẽ trì hoãn đến phút cuối và khó dự đoán được cách hành xử của các đồng minh Tây Âu".

Trong khi đó, Giám đốc Viện Đông phương học (Viện Hàn lâm khoa học Nga), Vitaly Naumkin lại đánh giá dè dặt hơn khi nói: "Hiện tại không thể triển khai chiến dịch quân sự mở rộng trên bộ vì làm như vậy cần có sự chấp thuận của HĐBA LHQ. Một văn kiện như vậy, theo tôi nghĩ, hiện thời người ta chưa sẵn sàng bỏ phiếu thông qua”.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo các nước phương Tây về việc tiến hành hoạt động quân sự trên mặt đất ở Libi. Ông Sergei Lavrov nói: "Chúng tôi cho rằng bước đi như vậy là rất nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả khó lường. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuân thủ và nắm chắc tinh thần nghị quyết HĐBA LHQ, không vượt quá khuôn khổ cho phép, bảo vệ dân thường bằng con đường duy trì chế độ vùng cấm bay".

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Anh, Pháp và Italia thông báo sẵn sàng gửi các cố vấn quân sự của họ đến giúp đỡ lực lượng nổi dậy ở Libi. Tại các thủ đô châu Âu, người ta cho rằng nhóm cố vấn này sẽ không tham gia vào chiến sự, mà đảm trách việc huấn luyện quân nổi dậy Libi trong lĩnh vực tình báo và hậu cần. Tuy nhiên, trong điều kiện một cuộc nội chiến, việc này thực tế là phần tham gia "trí não" vào hành động chiến sự ở bên phe nổi dậy.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng mặc dù về hình thức phương Tây chỉ nói đến việc áp tải hàng nhân đạo, song trên thực tế sẽ kích động gây xung đột với những lực lượng cản trở việc cung cấp viện trợ. Nếu có quân nhân châu Âu hoặc đại diện LHQ không may tử vong, thì đó sẽ là cái cớ để bắt đầu chiến dịch quân sự trên bộ.

Những thành viên tham gia chiến dịch của NATO tại Libi, kể cả những người ráo riết vận động hành lang cho hoạt động này - như Pháp và Anh - thì cam đoan rằng họ sẽ không tiến hành cuộc xâm lược quân sự. Trong khi đó, tờ Al- Habab (Angiêri) đưa tin, Mỹ đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Angiêri đánh giá những hậu quả có thể có của cuộc xâm lược vào Libi. Cụ thể, Lầu Năm Góc quan tâm đến nhận định của Angiêri về phương án diễn biến - cuộc xâm nhập của quân đội các nước phương Tây vào Libi sẽ tăng cường vị trí của al-Qaeda ở Bắc Phi như thế nào? Oasinhtơn cũng yêu cầu Angiêri dành sự hiệp lực có thể, trong trường hợp bắt đầu chiến dịch hoạt động quân sự trên bộ ở Libi, ví dụ như cho phép các máy bay NATO sử dụng không phận Angiêri, cũng như giúp đỡ vận chuyển thương binh. Hiện thời Mỹ đã phái các máy bay không người lái tham gia hoạt động trên vùng trời Libi với nhiệm vụ phóng tên lửa vào các mục tiêu trên mặt đất và tiến hành hoạt động trinh sát thám báo.

Trong khi đó, quan chức quân đội hàng đầu của Mỹ, Đô đốc Mike Mullen cho biết cuộc chiến Libi đang rơi vào "bế tắc" cho dù các cuộc không kích của Mỹ và NATO đã phá hủy 30-40% lực lượng mặt đất của Libi. Mỹ đã thông qua việc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang Predator tại Libi để tăng độ chính xác của các cuộc tấn công vào những nơi có thường dân.

Quân nổi dậy Libi đã giao tranh với lực lượng của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi kể từ tháng 2 nhưng gần đây không đạt được tiến bộ nào. Đô đốc Mullen cũng cho biết không có dấu hiệu gì cho thấy sự hiện diện của al-Qaeda trong số quân nổi dậy Libi. Trong một bài diễn văn trước binh lính Mỹ ở Irắc, ông Mullen thừa nhận các nhóm cực đoan có thể tìm cách lợi dụng cuộc nổi dậy ở Libi, nhưng nói thêm: "Chúng tôi rất cẩn thận về chuyện này và tôi không thấy nhiều dấu hiệu như vậy. Trên thực tế, tôi không thấy al-Qaeda có sự hiện diện nào cả".

TTK