07:23 06/07/2012

Phương Tây lo ngại về kế hoạch đóng tàu ngầm của Iran

Thông báo của Iran về kế hoạch đóng tàu ngầm đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân đang thổi bùng lên lo ngại rằng đây sẽ là cái cớ để quốc gia Hồi giáo này tiếp tục làm giàu urani ở cấp độ cao và tiến gần hơn tới việc sở hữu nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử.

Thông báo của Iran về kế hoạch đóng tàu ngầm đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân đang thổi bùng lên lo ngại rằng đây sẽ là cái cớ để quốc gia Hồi giáo này tiếp tục làm giàu urani ở cấp độ cao và tiến gần hơn tới việc sở hữu nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử.

 

Các chuyên gia phương Tây nghi ngại rằng Iran, quốc gia đang chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ), sẽ sớm có khả năng chế tạo loại phương tiện di chuyển dưới mặt nước phức tạp này - thứ mà hiện chỉ thuộc sở hữu của các quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ cho rằng Iran có thể sẽ sử dụng kế hoạch này để biện hộ cho các hoạt động hạt nhân nhạy cảm hơn nữa, bởi nguyên liệu dùng cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là urani được tinh luyện tới mức cũng có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân.


Olli Heinonen, từng là người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ và hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế Belfer thuộc Đại học Harvard, nói: "Những tàu ngầm kiểu như vậy thường sử dụng HEU (urani được làm giàu ở cấp độ cao)". Ông nhấn mạnh rằng Iran chắc chắn không thể mua được nguyên liệu này từ nước ngoài vì chương trình hạt nhân của họ đang gây ra một cuộc tranh cãi quốc tế. Do đó, Iran có thể "viện dẫn việc thiếu nguồn cung nguyên liệu này từ nước ngoài để biện minh cho việc tiếp tục con đường tự làm giàu urani".


Tuyên bố của Iran chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh cãi kéo dài cả thập kỷ nay về chương trình hạt nhân của Têhêran, đồng thời cũng làm gia tăng lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự. Cho tới nay, nhiều vòng đàm phán giữa Iran và 6 cường quốc thế giới từ đầu năm tới nay đã không đem lại tiến bộ quan trọng nào, đặc biệt về yêu cầu của quốc tế rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này phải giảm quy mô chương trình làm giàu urani gây tranh cãi. Shashank Joshi, một chuyên gia nghiên cứu Trung Đông lâu năm, nói: "Iran đang sử dụng thông báo đóng tàu ngầm này nhằm tạo ra lợi thế để mặc cả. Họ (Iran) có thể dùng kế hoạch này để không phải nhượng bộ khi đàm phán, hoặc coi đây là cái cớ để bao biện cho hoạt động làm giàu urani".


Phó Chỉ huy lực lượng Hải quân Iran Abbas Zamini cuối tháng trước cho biết: "Các bước chuẩn bị cho việc đóng tàu ngầm nguyên tử đã bắt đầu". Tuy nhiên, ông không nói chi tiết tàu ngầm như vậy sẽ dùng nguyên liệu như thế nào, song các chuyên gia cho biết loại tàu ngầm này có thể cần tới urani được làm giàu ở cấp độ cao. Hiện nay, Iran có thể làm giàu urani tới mức 3,5% để vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Iran cũng đã làm giàu urani tới mức 20%, mà theo họ là để phục vụ cho một lò phản ứng nghiên cứu y học ở Têhêran. Muốn chế tạo vũ khí hạt nhân cần urani làm giàu ở mức 90%. Đây cũng là mức cần thiết để vận hành các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.


Iran khẳng định, chương trình hạt nhân của nước này chỉ đơn thuần vì mục đích hòa bình là sản xuất năng lượng và phục vụ y học, và Iran có quyền làm giàu urani để sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân theo quy định của Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).


Bất kể động thái nào của Iran nhằm làm giàu urani tới mức tinh khiết hơn đều khiến Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ lo ngại. Họ nghi ngờ quốc gia Hồi giáo này đang tìm cách phát triển khả năng hạt nhân để chế tạo bom nguyên tử và muốn kiểm soát chương trình hạt nhân của nước này. Sáu cường quốc thế giới gồm Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức muốn Iran ngừng làm giàu urani ở mức 20%. Mỹ và Ixraen đã không loại trừ khả năng sử dụng các hành động quân sự để ngăn chặn việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này gây ra lo ngại về một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.

 

TTK (Theo Reuters)