02:11 10/02/2015

Phương Tây hờ hững với khủng hoảng kinh tế Ukraine

Cuộc khủng hoảng kinh tế đang dẩy dần Ukraine tiến ra rìa ngoài của miệng vực. Vậy nhưng, những gì mà phương Tây quan tâm lúc này vẫn chỉ đang là súng ống.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đang đẩy dần Ukraine tiến ra rìa ngoài của miệng vực. Vậy nhưng, những gì mà phương Tây quan tâm lúc này vẫn chỉ là súng ống.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9/2 cho biết Washington đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN


Trên tờ Forbes, tác giả Mark Adomanis từng cho biết đồng nội tệ của Ukraine đã mất 30% giá trị. Tuy nhiên, cũng theo tác giả này, con số trên không hoàn toàn chính xác bởi sự thật còn tồi tệ hơn thế: đồng hryvnia đã mất 50% giá trị trong khoảng thời gian chỉ hai ngày. Và điều này khiến Ukraine chỉ còn cách miệng vực vỡ nợ bằng đường tơ kẽ tóc.

Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Ukraine giảm chỉ còn 6,42 tỉ USD (và đang tiếp tục giảm). Khoản dự trữ này chỉ đủ để duy trì 5 tuần nhập khẩu hàng hóa. Trong khi đó, quy tắc được chấp nhận trong giới phân tích kinh tế là một quốc gia phải có dự trữ đủ sức cáng đáng 6 tháng nhập khẩu hàng hóa. Nếu con số này của một quốc gia thấp hơn 3 tháng, quốc gia đó được xem đang ở trong tình trạng khủng hoảng.

Do vậy, trừ phi Ukraine nhận được sự hỗ trợ kinh tế trong một tương lai rất gần, nếu không quốc gia này sẽ chỉ có hơn 1 tháng sống sót với ngoại tệ: nếu dự trữ của Ukraine tiếp tục xuống thấp hơn thời điểm hiện tại, về nghĩa đen, Ukraine có thể cạn sạch cả đồng USD lẫn EUR.

Trong tình thế cấp bách này, theo tác giả của bài báo, không hiểu vì lí do gì mà những cuộc thảo luận giữa các chuyên gia phương Tây lại đa phần không tập trung vào ngày tận thế kinh tế hiện hữu trước mắt của Kiev, mà lại là việc liệu Mỹ nên hay không, hỗ trợ Ukraine các hệ thống vũ khí tối tân để đánh bại Nga.

Để minh họa, tác giả Aomanis lấy ví dụ trên tờ Foreign Affairs, tác giả Alexander Motyl trong lần duy nhất đả động đến kinh tế Ukraine  để phân tích cuộc khủng hoảng hiện nay: "[Ông Putin] không có cách nào làm xói mòn kinh tế Ukraine mà lại không đồng thời phá hủy nền kinh tế Nga”.

Tác giả cũng cho rằng, nhiều nhà phân tích khác cũng có những lập luận tương tự rằng “ồ vâng mọi chuyện trông có vẻ nguy hiểm vào thời điểm hiện tại tí thôi nhưng đừng lo lắng, kinh tế Ukraine rồi sẽ ổn cả thôi”. Các tiếp cận mang tính lạc quan này với nền kinh tế Ukraine về cơ bản phản ánh sai mối tương quan giữa hai nền kinh tế của Moskva và Kiev.

Bức tranh tiêu điều của kinh tế Ukraine. Ảnh: AP


Hẳn nhiên, xét về mặt kinh tế, Ukraine đóng vai trò quan trọng với Nga. Nhưng sự quan trọng này chưa lên đến tầm thiết yếu. Theo các thống kê chính thức, trong năm 2013, Nga có nhiều giao thương với Italy hơn với Ukraine. Tổng ngoại thương giữa Nga và Ukraine thấp hơn so với giữa Nga với Đức hay Nga với Trung Quốc, và chỉ nhỉnh hơn lượng giao thương giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ (39 tỉ USD với Ukraine trong năm 2013 so với khoảng 34 tỉ USD với Thổ Nhĩ Kỳ). Nếu không ai có thể nghiêm túc nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có tác động kinh tế với Nga, vậy tại sao Ukraine lại sở hữu thứ sức mạnh này?

Trong khi đó, Nga lại đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Ukraine, không chỉ với vai trò là nguồn nguyên liệu và năng lượng thô, mà còn là một thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp mà nếu không có thị trường này, Ukraine sẽ không thể tìm thấy những khách hàng sẵn lòng bỏ tiền túi ra tiêu thụ sản phẩm của họ.

Theo dữ liệu của chính phủ Ukraine, Nga chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch ngoại thương của quốc gia này. Trong khi đó, con số này từ phía Nga nằm trong khoảng đâu đó giữa 6-7%. Như vậy, tác động của Nga với Ukraine rõ ràng lớn hơn nhiều so với tác động của Ukraine với Nga.

Trước mắt, nếu phương Tây không nhảy vào để hỗ trợ một cách mạnh mẽ nền kinh tế của Ukraine trong một tương lai rất gần, quốc gia này sẽ không thể kham nổi “hoạt động chống khủng bố” ở miền Đông. Không tiền, Ukraine không thể bày bố quân đội hiện đại. Ai đó phải trả lương cho binh sĩ chiến đấu ở Donbass, ai đó phải mua xăng dầu cần thiết để mang quân ra chiến trường, và ai đó phải trả tiền đạn dược mà binh sĩ sử dụng. Xét tình trạng tài chính không ổn định của Ukraine, có thể thấy năng lực thực hiện điều này của Ukraine vẫn luôn bấp bênh, còn giờ đây thì “quốc khố” của Ukraine sắp sửa sạch đáy.

Xét về mặt dài hạn, Ukraine vẫn đã luôn trong tư thế kêu gọi viện trợ từ phương Tây để giúp bôi trơn “con đường châu Âu” của nước này. Nhưng trong ngắn hạn mà cụ thể là ngay lập tức, Ukraine cũng cần một chia sẻ tài nguyên để đẩy lui thảm họa. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) có khả năng sẽ vào cuộc để lấp dần khoảng trống ở Ukraine, nhưng trong khi nhiều người trông đợi một gói cứu trợ mới của IMF trong nhiều tháng, cho đến thời điểm này, IMF vẫn im hơi lặng tiếng.

Viện trợ quân sự cho Ukraine, một động thái được cho là nguy hiểm, có thể sẽ làm nên chuyện, hoặc không. Nhưng cùng lúc đó, nếu không có hành động nhanh chóng nào được thực hiện, nền kinh tế Ukraine sẽ gần như chẳng còn lại gì để được cứu trợ trong một tương lai không quá xa.


Anh Tiếu (Theo Forbes)