08:23 18/08/2011

Phương Tây gia tăng sức ép với Xyri

Ngày 18/8 (giờ Việt Nam), Tổng thống Xyri Bashar al-Assad tuyên bố, quân đội và cảnh sát Xyri đã ngừng các chiến dịch chống người biểu tình. Tuy nhiên, lấy lý do chính phủ Xyri “đàn áp” người biểu tình, các nước phương Tây đã cùng gia tăng sức ép với Đamát để buộc Tổng thống Assad phải ra đi.

Ngày 18/8 (giờ Việt Nam), Tổng thống Xyri Bashar al-Assad tuyên bố, quân đội và cảnh sát Xyri đã ngừng các chiến dịch chống người biểu tình. Tuy nhiên, lấy lý do chính phủ Xyri “đàn áp” người biểu tình, các nước phương Tây đã cùng gia tăng sức ép với Đamát để buộc Tổng thống Assad phải ra đi.

Tổng thống Xyri Bashar al-Assad chủ trì Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Baath cầm quyền ngày 17/8. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong một cuộc điện đàm với Tổng Thư ký (TTK) Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon, Tổng thống Assad khẳng định, các chiến dịch an ninh của quân đội và cảnh sát nước này đã được dừng lại.

Thông cáo của LHQ cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Assad, TTK Ban Ki-moon đã nhấn mạnh cần phải dừng ngay lập tức các chiến dịch an ninh nhằm vào người biểu tình ở Xyri, mở một cuộc điều tra độc lập về tình trạng bạo lực tại nước này cũng như cho phép các phương tiện truyền thông được tiếp cận.

Thông cáo cũng cho biết, Tổng thống Assad đã nêu các nội dung cải cách mà ông sẽ thực hiện trong vài tháng tới, trong đó có việc sửa đổi hiến pháp và tiến hành bầu cử quốc hội.

Sau tuyên bố trên của Tổng thống Assad, một loạt các nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng yêu cầu ông Assad phải từ chức, cho rằng chính phủ của ông đã mất hết tính hợp pháp, đồng thời đe dọa áp đặt lệnh cấm vận chống Xyri.

Dẫn đầu nhóm này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh phong tỏa tất cả các tài khoản của chính quyền Xyri, cấm đầu tư và xuất khẩu sang Xyri.
Hòa giọng cùng Mỹ, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron đã ra tuyên bố chung yêu cầu Tổng thống Assad từ chức. Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng nhấn mạnh với toàn thể 27 nước thành viên EU về “tầm quan trọng của việc Tổng thống Assad phải ra đi”. EU cũng cảnh báo khả năng áp đặt các lệnh cấm vận mới chống chính phủ Xyri.

Trong khi đó, nhiều nước như Thụy Sĩ, Tuynidi, Arập Xêút, Baranh, Côoét đã triệu hồi đại sứ tại Xyri về nước. Bộ trưởng Lao động Philíppin, Rosalinda Baldoz, đã quyết định tạm ngừng đưa lao động nước này sang Xyri. Trước đó, ngày 17/8, Liên hợp quốc thông báo đã rút hơn 20 nhân viên không có nhiệm vụ cấp thiết ở Xyri do lo ngại về vấn đề an ninh.

Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an LHQ họp bàn về vấn đề Xyri vào lúc 2 giờ ngày 19/8 (giờ VN). Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng có kế hoạch họp khẩn trong tuần này tại Geneva (Thụy Sỹ) để thảo luận về tình trạng bạo lực ở Xyri.

Trước đó, tại cuộc họp với các thành viên Ủy ban Trung ương đảng Baath, Tổng thống Assad nhấn mạnh, tiến trình cải cách của Xyri xuất phát từ yêu cầu của người dân chứ không phải từ áp lực của các quốc gia khác. Chính phủ Xyri chỉ có thể thực hiện được tiến trình này sau khi khôi phục lại an ninh cho người dân Xyri và loại bỏ hoàn toàn các phần tử vũ trang khủng bố. Theo hãng tin SANA của Xyri, trong cuộc họp trên, ông Assad khẳng định Xyri sẽ vẫn hùng mạnh và không bao giờ từ bỏ chủ quyền và các giá trị của mình.

Dương Anh