03:10 02/03/2011

Phương Tây gia tăng sức ép với Libi

Trong cuộc giao tranh dữ dội kéo dài sáu tiếng đồng hồ vào đêm 28/2 rạng sáng 1/3, lực lượng chống chính phủ tại Libi đã đẩy lùi nỗ lực giành lại thành phố Zawiya (cách thủ đô Tripôli 50 km về phía tây) của lực lượng trung thành với Tổng thống Moamer Kadhafi.

Trong cuộc giao tranh dữ dội kéo dài sáu tiếng đồng hồ vào đêm 28/2 rạng sáng 1/3, lực lượng chống chính phủ tại Libi đã đẩy lùi nỗ lực giành lại thành phố Zawiya (cách thủ đô Tripôli 50 km về phía tây) của lực lượng trung thành với Tổng thống Moamer Kadhafi. Sau hai tuần rơi vào khủng hoảng chính trị, quân của ông Kadhafi hiện cũng đã mất quyền kiểm soát một nửa miền đông Libi và hiện chỉ còn nắm giữ Tripôli cùng những thành phố gần đó.

Ngày 28/2, Tổng thống Kadhafi đã bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Libi, ông Bouzaid Dordah làm người thương lượng với lực lượng chống chính phủ. Tuy nhiên, trước đó, người phát ngôn của Hội đồng Dân tộc Libi, vừa được thành lập và đặt trụ sở ở thành phố miền đông Benghazi, đã tuyên bố không đàm phán với ông Kadhafi.

Người lánh nạn từ Libi dồn ứ tại một trạm kiểm soát trên biên giới với Tuynidi ngày 28/2. Ảnh: THX – TTXVN


Trong khi đó, theo thông tin của hãng AP (Mỹ), trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABC News về khả năng ông Kadhafi có từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama hay không, Tổng thống Libi tuyên bố: “Người dân Libi yêu quý tôi. Họ sẽ chết vì tôi”. Ông Kadhafi cũng mời LHQ hoặc bất kỳ tổ chức nào tới Libi làm nhiệm vụ “tìm kiếm sự thật”.

Ngày 1/3, các nước phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép đối với Tổng thống Kadhafi. Lầu Năm góc thông báo đang tái triển khai lực lượng hải quân tại khu vực Địa Trung Hải, các tàu chiến và máy bay đang được điều động đến khu vực gần Libi.


Tính đến ngày 28/2 đã có 8 tàu chiến có mặt tại khu vực hoạt động của Hạm đội Sáu, khu vực này gồm Địa Trung Hải và một số vùng thuộc Đại Tây Dương. Ngoài ra, còn có hai tàu sân bay, trong đó có tàu sân bay USS Enterprise chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã được triển khai ở vùng Đông Nam của Biển Đỏ và Biển Arập. Một số nguồn tin nói rằng Hải quân Mỹ có thể huy động cả tàu đổ bộ USS Kearasarge với một phi đội máy bay lên thẳng và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ trên tàu.

Tuy nhiên, bất chấp việc Nhà Trắng nói rằng “giải pháp quân sự là một lựa chọn đang được xem xét”, giới phân tích nhận định khó có khả năng Mỹ sẽ tiến hành một cuộc đổ bộ hoặc không kích vì tình hình tại khu vực này rất nhạy cảm.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho hay, Luân Đôn đang thảo luận với các đồng minh về kế hoạch thiết lập một khu vực cấm máy bay quân sự ở Libi. Tuy nhiên, ông Cameron không cho biết điều này có nghĩa Anh hay các đồng minh sẽ lập tức cấm bay đối với máy bay của Libi hay đơn giản chỉ là lập kế hoạch phòng trường hợp tình hình hiện nay ở Libi leo thang.


Thủ tướng Cameron cũng đã nói với các nghị sĩ Anh rằng “trong mọi trường hợp”, ông không loại trừ khả năng sử dụng quân sự đối với Libi. Thông báo cùng ngày từ Văn phòng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết Pháp và Anh đã kêu gọi tiến hành một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận về các sự việc đang diễn ra tại Libi.


Thông báo nêu rõ Tổng thống Sarkozy đã thảo luận với Thủ tướng Anh David Cameron và “hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải có hành động khẩn cấp của châu Âu”. Trước đó, tại hội nghị các bộ trưởng EU ở Brúcxen (Bỉ), EU đã thông qua gói trừng phạt đối với Tổng thống Kadhafi và chính phủ Libi, trong đó có việc cấm vận vũ khí và cấm các chuyến đi từ Libi tới EU. EU cũng tuyên bố sẽ phong tỏa các tài sản của ông Kadhafi, của gia đình ông cũng như tài sản của chính phủ thuộc quyền ông Kadhafi.

Lực lượng ủng hộ Tổng thống Kadhafi trên đường phố Qasr bin Ghashir (cách Tripôli 30 km về phía nam) ngày 1/3. Ảnh: AFP – TTXVN


Trước những diễn biến căng thẳng tại Libi, LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ đẩy nhanh việc sơ tán người nước ngoài khỏi Libi. Theo Cơ quan Cứu trợ Khẩn cấp LHQ, hơn 100.000 người Libi đã chạy loạn sang Ai Cập và Tuynidi trong tuần qua.


Tình hình tại các cửa khẩu của Libi rất căng thẳng do hàng chục nghìn người, trong đó có nhiều người nước ngoài, cố tìm cách ra khỏi Libi. Nhiều người đang phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, thuốc men trong thời tiết khắc nghiệt, nhất là lạnh về đêm.


Điều phối viên Valerie Amos cho báo giới biết, rất khó để thông báo chính xác số người thiệt mạng do khủng hoảng chính trị tại Libi, nhưng ước tính số người chết có thể lên tới con số hàng nghìn. Hiện các tổ chức của LHQ đang chuyển thiết bị y tế và lương thực vào Libi qua cửa khẩu biên giới với Tuynidi và Ai Cập.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)