05:21 15/05/2014

Phu Văn Lâu ở Cố đô Huế bị sạt mái

Một phần mái bên trái của Phu Văn Lâu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế bị sạt, đổ sụp xuống do phần liên kết giữa cột, kèo và các thanh đà bị mục nát vì mối mọt.

Ngày 15/5, một phần mái bên trái của Phu Văn Lâu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế bị sạt, đổ sụp xuống do phần liên kết giữa cột, kèo và các thanh đà bị mục nát vì mối mọt.

Một phần mái Phu Văn Lâu vừa bị sạt.


Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết: Phu Văn Lâu được sửa chữa từ năm 1993 đến nay hơn 20 năm. Điều đáng chú ý là do việc sửa chữa lúc đó không đồng bộ, phần khung cột được thay thế bằng bê tông, riêng hệ mái vẫn tái sử dụng lại phần gỗ của công trình. Đến nay, hệ gỗ bị mục ruỗng hoàn toàn và không chịu được lực nên bị sạt đổ.

Ngay sau sự việc này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phong tỏa hiện trường, dự kiến sẽ tiến hành thành lập hội đồng đánh giá và khắc phục nhanh hậu quả; khẳng định về lâu dài phải có dự án trùng tu lớn đối với Phu Văn Lâu.

Phu Văn Lâu nằm gần bờ Bắc sông Hương, trước mặt Kinh thành và ở ngay trên trục chính của quần thể kiến trúc cố đô Huế: Điện Thái Hòa - Ngọ Môn - Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình - Hương Giang - Ngự Bình. Từ Kỳ đài nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt của kinh thành Huế là Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình. Phu Văn Lâu (phu: trưng bày, văn: văn thư, lâu: lầu), trước kia là lầu trưng bày văn thư của triều đình.

Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Hai bên mặt trước Phu Văn Lâu có đặt hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau. Phía trước mặt Phu Văn Lâu là một tiểu đình nằm kề bên sông Hương gọi là Nghinh Lương Ðình. Ðây là nơi dùng để các vua tắm sông, hóng gió, ngắm cảnh...


Tin, ảnh: Quốc Việt